Trang chủ » 1. Vườn trẻ

1. Vườn trẻ

by Hậu Học Văn
4 views

Hầu hết trẻ thơ đều thu thập được ít nhiều lợi ích qua một vườn trẻ đứng đắn, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy đâu. Những đứa con một hoặc con đầu lòng, thường là những đứa không có trẻ khác ở trong nhà để chơi, sẽ rất có lợi nếu được vào vườn trẻ. Những trẻ ở trong căn nhà chật chội, những trẻ mà vì mẹ nó quá bận, hoặc đau yếu luôn nên không chăm sóc đầy đủ được, cũng cần được gởi đến vườn trẻ.

Khi đứa trẻ được ba tuổi, nó cần có những trẻ khác đồng trạc để không những nô đùa mà còn học hỏi lẫn nhau, tập chung sống với nhau. Nó cũng cần có chỗ để chạy, nhảy, la hét, cần có thang để leo, xe lửa, búp bê, v.v… để chơi. Nó cũng cần sống hòa thuận với những người lớn khác ngoài cha mẹ nó. Ngày nay, ở tại nhà ít có trẻ được hưởng mọi lợi điểm vừa kể ở trên, nên cần phải được gởi đến vườn trẻ hay trường mẫu giáo. Tuy nhiên, nên nhớ rằng vườn trẻ không phải thay thế gia đình, mà chỉ trợ lực gia đình thôi.

Những gia đình mà cả cha mẹ đều phải đi làm hết, và đặc biệt khi không có bà con hoặc người tin cậy để giữ trẻ, họ thường gởi con nơi nhà giữ trẻ từ lúc sáng sớm, đến chiều tối lại rước về. Các « vườn trẻ » nầy có đủ hạng, từ rất tệ đến rất tốt. Có chỗ người ta chủ trương cần phải la hét, răn phạt thật nghiêm khắc để sau nầy trẻ sẽ nên người. Nơi khác lại chỉ chú trọng vào việc vệ sinh và cho trẻ ăn uống no đủ là xong bổn phận họ. Nhưng cũng có chỗ lý tưởng hơn, người ta tìm hiểu mọi nhu cầu của trẻ. Họ lưu tâm đến mọi sinh hoạt, bày tỏ lòng triều mến chân thật, đối xử với tình thương bao dung. Họ cung cấp vật dụng, hướng dẫn trò chơi cùng giúp trẻ phát triển cách tự do. Nhưng có điều đáng buồn là hầu hết gia đình công nhân và lao động Việt Nam, tuy hai vợ chồng và cả những đứa con lên bảy, tám tuổi đều đã phụ giúp gia đình mà còn sống chật vật, thì làm gì có đủ tiền để gởi con đến vườn trẻ « sang trọng » nọ.

Những người khai sanh hệ thống vườn trẻ và trường mẫu giáo nghĩ rằng : « Mọi con trẻ đều cần có cơ hội sống chung với kẻ khác chớ không phải chỉ dành riêng cho những trẻ trong gia đình mà cha mẹ đều đi làm xa nhà. Mọi con trẻ đều cần có sân rộng, nhạc vui, màu sơn, đất sét để phong phú hóa tinh thần chúng ».

Về giáo viên họ nói : « Những giáo viên biết yêu trẻ, chưa đủ, họ cần phải hiểu trẻ, và cần phải học khoa sư phạm mẫu giáo hẳn hoi ».

Vì những lý lẽ trên, ta cần phải thận trọng khi gởi con em vào một vườn trẻ hay trường mẫu giáo. Ngày nay chẳng riêng gì nước Việt Nam nhỏ bé của ta, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những người quá lạm dụng danh từ vườn trẻ. Họ trương bản vườn trẻ chỉ vì chữ vườn trẻ đã thành quá phổ thông. Nó chỉ như một tiếng dội, không hơn không kém, vì người ta không biết nó phát xuất từ đâu, đi đến đâu, hoặc có mục đích gì. Nếu chẳng may con em ta bị đặt vào trong vườn trẻ « bất cẩn » như vậy, thật bất hạnh cho chúng biết chừng nào.

Trước khi gởi con em vào một vườn trẻ hay trường mẫu giáo nào, ta cần phải tìm hiểu và trả lời được những câu hỏi nầy :

– Giáo viên có thái độ nào đối với con trẻ ?

– Giáo viên có được huấn luyện kỹ càng hoặc có căn bản nào trong lãnh vực mẫu giáo chăng ?

– Mỗi lớp có bao nhiêu học sinh ? (không nên quá 10 em cho mỗi lớp).

– Trường có chỗ rộng đủ để học sinh chạy, nhảy, leo trèo, nghỉ ngơi ở trong lớp cũng như ở ngoài sân chăng ?

-Trường có đủ dụng cụ giáo khoa và giải trí như màu vẽ, giấy, đất sét, thùng đựng cát, đồ chơi, đu, v.v… chăng ?

Nếu tính tất cả những phí tổn nầy rồi chia cho số học sinh giới hạn trong mỗi lớp, ta sẽ rõ tại sao lớp mẫu giáo lấy học phí quá cao. Bởi vậy ta cần phải dè dặt với những trường thương mại hóa việc giáo dục bằng cách nhét năm, bảy mươi em bé vào một căn phố nhỏ, thiếu cả ánh sáng mà ngoài trước đề bản dạy theo phương pháp Âu, Mỹ, phương pháp Froebel, phương pháp Montessori, v.v…

Có nhiều bậc cha mẹ cho rằng con trẻ đến vườn trẻ hay lớp mẫu giáo chỉ có lợi trong việc đếm số và khéo tay cắt giấy thôi. Cũng vì thế có nhiều bà mẹ định để con được bốn, năm tuổi mới cho vô vườn trẻ để nó học được nhiều hơn. Quan niệm như thế e không được đúng lắm. Sự khéo tay kia chỉ là phần phụ thôi. Trẻ vào vườn trẻ là để quen sống tập thể với các trẻ đồng lứa tuổi, tập tiếp xúc với những người khác, cộng tác với nhau, nghĩ ra những kế hoạch nho nhỏ rồi cố thực hiện cho kỳ được. Thêm vào đó trẻ cần được tự do, chạy, nhảy, múa, hát trong không khí tuổi thơ, đó mới là điều quan trọng hơn. Tuổi thích hợp nhứt cho trẻ con vào vườn trẻ là ba tuổi (tính từ ngày sanh). Có người muốn cho con đi học sớm hơn, lối hai hoặc hai tuổi rưỡi. Thật ra tuổi ấy đứa trẻ còn quá bé bỏng và nó hãy còn hoàn toàn trông cậy nơi sự săn sóc của mẹ. Tuy nhiên những trẻ vào tuổi ấy nhưng sức vóc lớn và đã biết tự chủ cũng có thể vào vườn trẻ được nếu giờ học ngắn hơn, và mỗi lớp không quá tám học sinh, nếu giáo viên thật lòng yêu mến trẻ để chúng thấy được bảo đảm hơn. Nếu để trẻ quá cỡ tuổi – năm tuổi trở lên – việc vào vườn trẻ sẽ không còn ích lợi bao nhiêu.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x