Trang chủ » XII. Ảnh hưởng của ti vi

XII. Ảnh hưởng của ti vi

by Hậu Học Văn
8 views

Dầu muốn dầu không, ti vi hiện đang lan tràn trên đất nước ta và đang vươn tầm ảnh hưởng cách đáng kể.

Truyền hình cùng chung gia đình « vô tuyến », nhưng hiện tại đa số dân chúng gọi tắt vô tuyến truyền hình bằng ngoại danh « vô tuyến » còn vô tuyến truyền thanh lại không được gọi tắt là vô tuyến như truyền hình. Xem thế đủ thấy cô em dầu được sanh sau đẻ muộn nhưng lại được chú ý và ái mộ hơn cô chị. Đêm đêm hằng vạn chiếc máy thâu hình được bật sáng, hằng trăm ngàn mái đầu xúm xít nhau để hằng triệu con mắt dán cứng lên màn ảnh nhỏ. Những cảnh chém giết hiện ra. Những câu hài hước thốt lên. Đáp lại là những tiếng cười tán thưởng, những lời bàn tán xôn xao. Thỉnh thoảng có những cái lắc đầu chán chường, những tiếng tắt máy bực bội.

Một số người ngả nặng về mặt giáo dục và xã hội không khỏi đã có lần tự nêu lên câu hỏi : Ti vi có lợi hay có hại ? Nhứt là đối với những bộ óc non nớt của trẻ con !

Đó là một câu hỏi rất khó trả lời. Lợi hay hại còn tùy thuộc nhiều yếu tố.

Một số trẻ nào đó, ở vào trạng huống nào đó thì xem một chương trình ti vi nào đó là có hại. Trong khi ấy một số trẻ khác cũng ở vào trạng huống đó, cũng xem đúng chương trình ti vi đó, lại vô hại. Nhưng điều đáng lưu ý là người lớn nhận xét cái lợi hay hại theo quan niệm của họ hơn là ảnh hưởng thực sự đối với trẻ con. Họ nhìn theo khía cạnh, họ nghĩ qua kinh nghiệm mà năm tháng đã biến màu tóc và cuộc sống đã làm cho chai đá tâm hồn, chớ không tự đặt mình vào chiếc lá non, vào cánh bướm mới lột để định sức nặng của giọt mưa rơi.

Khi khen một chương trình nào đó là « hay » hoặc chê « dở quá », phải chăng họ ngụ ý trong chương trình ấy có phẩm chất nào đó có lợi cho trẻ con, được hàm chứa trong chữ « lý thú », hay ngược lại, có hại nhiều hơn, được phát biểu qua tiếng « tồi quá » ? Nếu chương trình ti vi có lợi hoặc hại, ảnh hưởng của nó cũng vô cùng rộng lớn, hơn hẳn radio và ciné.

Trong lúc nghe truyền thanh, người ta vẫn làm việc như thường : may, vá, đan, thêu, đánh cờ, nấu cơm, rửa chén, cắt cỏ, trồng hoa, lái xe, v.v… Thỉnh thoảng có tin gì thật quan trọng, hay một pha sôi nổi trong trận đấu bóng tròn, người nghe dừng công việc lại một chút để nghe cho kỹ, rồi tiếp tục công việc lại. Mở máy thâu thanh, người ta chỉ nghe chớ không bận tâm nhìn vào chiếc máy bất động. Nghe truyền thanh, thính giả phải vận dụng trí tưởng tượng để « thấy » hình ảnh và động tác của người trong cuộc – mà hình ảnh ấy hiện ra cho mỗi thính giả một khác, tùy trí tưởng tượng của họ phong phú hay kém, tùy kinh nghiệm sống của họ dồi dào hay nông cạn. Đối với một số khác, máy thâu thanh chỉ phát ra tiếng động để đánh tan cái vắng lặng ở trong nhà khi người lớn đều đi làm, và trẻ con đã đi học, chớ họ không cần phải nhớ và hiểu những gì máy phát thanh loan ra.

Ciné hay hát bóng có phần trội hơn radio ở điểm nó có hình ảnh hiện ra cùng một lúc với lời nói. Tuy nhiên, muốn xem ciné, người ta phải chịu khó đi đến rạp hát, tốn tiền mua vé, mất thì giờ chờ đợi, gặp chướng ngại nắng mưa, và trung bình một tuần lễ mới đổi phim một lần.

Ti vi thì có sẵn ở nhà. Chỉ cần bật nút điện là hình ảnh và âm thanh hiện ra ngay. Một buổi tối khán giả xem tivi có thể xem nhiều tuồng hát, nhiều tiết mục khác nhau.

Đa số khán giả xem ti vi là để thỏa mãn một khao khát hơn là một nhu cầu. Những nhà sản xuất chương trình ti vi nhắm vào những khao khát ấy để làm vừa lòng khán giả. Có thỏa mãn được khán giả, họ mới giữ được chỗ đứng lâu dài. Nhưng những khao khát kia không phải mọi giới, mọi tuổi đều giống nhau.

« Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng », câu ấy ít ra trong đời cũng có một lần ta dùng để giảng dạy con trẻ. Nhưng thử hỏi : Người lớn chúng ta có áp dụng câu ấy khi mở máy ti vi cho gia đình xem hay không ? Giả dụ con em ta ra đường, chứng kiến hàng chục hành động bỉ ổi, nghe hằng trăm lời ngạo mạn, thô tục, rồi về nhà ta chỉ thốt ra một câu nói phải, thì một câu nói phải ấy có đủ để đánh tan những hình ảnh mà trẻ đã thấy, có đủ để gột rửa những lời mà trẻ đã nghe, có hoàn toàn xóa bỏ những gì không đẹp ra khỏi trí của trẻ chăng ? Trẻ ở trong khung cảnh như vậy, ta gọi là gần mực hay gần đèn ? Ngày xưa mẹ của ông Mạnh Tử phải mấy lần dọn nhà đi chỉ vì không muốn con mình chứng kiến những gì sẽ ghi lại dấu vết không đẹp trong tâm trí non nớt của con.

Không ai phủ nhận việc từ ngày có tivi, con trẻ được hiểu biết nhiều hơn trước. Cũng như từ ngày chiến cuộc lan đến ven đô, con trẻ ở các vùng nầy cũng được « mở » trí thêm nhiều. Tôi có hai đứa cháu kêu tôi bằng chú, một đứa tám tuổi và đứa kia sáu tuổi. Chúng có vẻ am hiểu nhiều loại súng. Chúng biết súng carbin bắn như thế nào, M16 lợi hại ra sao sánh với AK50, sức công phá của đạn B40 đến mực nào, v.v… Có phải chiến tranh đã dạy khôn cho con trẻ chăng ? Có phải vì vậy ta nên cổ võ chiến tranh chăng ? Với ti vi cũng tương tự như thế. Con trẻ được đưa vào thế giới người lớn để thấy nếp sống của người lớn ra sao. Những hỡi ôi ! những nếp sống được đưa ra lại đầy dâm loạn, thù hằn, cướp bóc, giết chóc, lường gạt, dối trá, phức tạp đủ mọi bề như vậy, có chuẩn bị cho trẻ con tin tưởng, mạnh dạn mà vào đời chăng ?

Một bước nhảy vọt như vậy mà không kịp thì giờ để chuẩn bị cho đủ trí khôn, đủ kinh nghiệm, đủ hiểu biết để làm người lớn thì làm sao đứa bé hòa mình vào cuộc sống mới cho được. Bất quá nó chỉ thành một người lớn mà nhỏ bé, èo uột, khó hòa hợp, bối rối, bỡ ngỡ, bất mãn, nửa sống nửa chết, không chấp nhận để được lớn hay khó thể lớn cách quân bình.

Các phụ huynh khi xem một chương trình xã hội, giáo dục, có nhận thấy chăng trước khi có một lời khuyên hời hợt, trẻ đã được truyền dạy tỉ mỉ kỹ thuật móc túi, tống tiền, tống tình, chạy tội một khi bị bắt, v.v… ? Như thế sự giáo huấn thiện hoặc ác được truyền dạy tận tâm và có phương pháp hơn ?

Thường thường một phạm nhơn trên ti vi tránh né luật pháp thật khéo léo, qua mắt nhà chức trách cách tài tình đến khán giả khâm phục, hoan hô, cho cảnh sát là « đần độn, người lớn cũng như trẻ con mất lòng kính nể chính những người họ nâng đỡ ở tiền tuyến của mặt trận chống tội ác » như Arthur W. Wallender, một ủy viên cảnh sát ở New York đã than thở. Tất cả những nét chữ ngoằn ngoèo, những hình ảnh quái đản ấy, nỡ nào đem viết lên tờ giấy trắng tinh của tâm hồn trẻ thơ ! Giấy không thể phản đối tài liệu nào được ghi trên nó. Chỉ còn người viết có chịu lựa tài liệu thích hợp cho loại giấy hay không mà thôi.

Ti vi có xúi giục con trẻ phạm tội ác không ? Dĩ nhiên là không ! Nhưng tưởng cũng cần nghe lời nhận định của Ralph Banay rằng : « Khám đường là trường đại học của tội ác, còn ti vi đối với đám trẻ bối rối lại là lớp dự bị cho việc phạm pháp ». Ông Frank Coburn tiếp thêm rằng ti vi không gây nên phạm pháp, nó chỉ cung cấp « lời chỉ dẫn cho việc phạm pháp xảy ra thôi ».

Đành rằng ảnh hưởng xấu hay tốt còn tùy sự phản ứng của từng đứa trẻ, nhưng nói chung ti vi làm cho trẻ sống xa thực tế của tuổi nó. Ti vi quyến rũ, mê hoặc, làm cho trẻ khao khát những pha gay cấn, hung bạo, tàn nhẫn, căng thẳng, hoặc mơ mộng hơn, để thỏa mãn ý thích khác thường hơn là chú trọng đến sách vở, đạo đức. Nó làm cho trẻ ghiền ti vi, một tật ghiền khó chừa bỏ vì chiếc máy vẫn cứ ở trước mặt và đêm đêm vẫn lộ hình, phát tiếng để khêu gợi, nhắc nhở chúng.

Những ảnh hưởng nầy của ti vi hẳn ai cũng nhận thấy hiện ra ở bất cứ ngõ hẹp nào có chiếc máy thâu hình và một số trẻ con. Những đứa bé lấy khăn choàng qua cổ để làm batman, những đứa trẻ ôm súng giả, núp sau cột nhà, sau thùng rác, để đóng tuồng lính kín ăn cướp, v.v… ai cũng đều thấy, nhưng thảy làm ngơ vì cho rằng trò trẻ con đó ăn thua gì, dầu sao tụi nó cũng còn con nít.

Tôi còn nhớ buổi sáng sau đến THVN phát hình chương trình « Thế Giới Của Trẻ Em » do tôi phụ trách, có chiếu đoạn phim búp bê diễn cảnh đánh nhau giữa mọi da đỏ và đoàn thám hiểm. Hôm đó, đi ngang qua vài học đường, tôi thấy những em học sinh bé tí teo kẹp thước vô nách mà đánh nhau y như những hình nôm trong phim. Cảnh trạng đó làm tôi vô cùng bối rối và phân vân không biết có nên tiếp tục thực hiện chương trình « Thế Giới Của Trẻ Em » nữa hay thôi. Ảnh hưởng là đó. Nhưng phải làm sao để tạo ảnh hưởng tốt nhiều hơn ảnh hưởng xấu ?

Có những chương trình ti vi hoàn toàn không thích hợp với trẻ con. Nhưng màn ảnh nhỏ bật sáng, mọi con mắt trong gia đình đều chăm chú vào, bắt buộc phải thấy tất cả hình ảnh nên xem và không nên xem. Ta không thể nào đang xem ti vi mà đuổi bầy trẻ đi chỗ khác. Làm thế là cả một sự bất công và đào sâu thêm hố chia rẽ vốn có giữa người lớn và trẻ con.

Để hướng dẫn trẻ trong việc xem ti vi, ta thử duyệt sơ qua những hưởng ứng và phản ứng của các lớp tuổi khác nhau.

Từ hai tuổi trẻ đã biết xem ti vi rồi. Tuy nó chưa biết thích thú, say mê, nhưng hình ảnh di động trên mặt kính đã bắt được sự chú ý của nó.

Đến ba tuổi, trẻ nhớ được những gương mặt quen thuộc thường xuất hiện trên màn ảnh, biết la hét, tán thưởng chương trình nào hợp với ý nó, nhứt là những chương trình thiếu nhi thật sự thiếu nhi. Từ đây trẻ bắt đầu xem ti vi đều mỗi đêm tuy số giờ xem còn rất ngắn. Tuổi nầy cũng bắt đầu thích « đọc » sách, báo có nhiều hình ảnh. Gặp một hình thích hợp, trẻ ngắm thật lâu. Nó thích giả bộ làm ra người lớn, cầm sách báo đọc ê a. Nó chuyển lần qua ý thích những hình ảnh sôi động phù hợp với nếp sống đầy hoạt động không ngừng của nó. Cũng vì vậy loại phim cow boy, combat, batman, v.v… được trẻ chú ý nhiều.

Đến bốn tuổi, trẻ đã biết và nhớ nhiều hơn. Tôi có đứa cháu gái tên Hồng Châu. Mở ti vi, nghe tiếng nhạc nó biết đó là quốc thiều Việt hay quốc thiều Mỹ. Nghe nhạc hiệu của chương trình, nó liền nói « combat »… nhìn mặt tài tử, nó biết ngay là Vic Morrow, là Rick Jasen, West hay Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, v.v… Các trẻ cùng xóm đồng trạc với Hồng Châu hay họp nhau lại, lấy áo dài của mẹ ra mặc, mang guốc cao gót của mẹ, tay xách bóp đầm, nhờ người chị làm xướng ngôn viên, giới thiệu tên ca sĩ, rồi chúng bước ra, cúi đầu chào, hát những bài mà chúng thường nghe hát ở radio, tivi mà chúng thuộc được. Với những trẻ phát triển trung bình thì đứa bé bốn tuổi nào cũng làm được như Hồng Châu. Từ tuổi nầy trẻ đã biết bắt chước lần. Tuy nhiên thời gian chăm chú xem ti vi của trẻ cũng không lâu lắm.

Trẻ sáu tuổi thích hình ảnh, xi nê và ti vi mãnh liệt hơn. Vào tuổi nầy, trẻ cũng đã đến trường. Thời gian xem ti vi mỗi đêm cũng khá lâu hơn trước nên giấc ngủ phải rút ngắn bớt.

Hậu quả của việc nầy là trẻ có vẻ uể oải, mệt mỏi khi vào lớp học. Cũng vì điểm nầy mà người ta đổ lỗi cho ti vi làm hại sức khỏe của trẻ và làm gián đoạn việc học hành. Sự đổ lỗi như thế cũng có hơi thái quá, vì cha mẹ chịu trách nhiệm về giờ giấc học hành cũng như nghỉ ngơi của con trẻ. Ngoài việc đó, chúng ta cần ghi nhớ điều nầy : Những hình ảnh mà trẻ con thấy trong mười năm đầu tiên của đời chúng, sẽ có ảnh hưởng rõ rệt cho trẻ suốt đời. Có thể lúc còn bé, trẻ chưa hiểu biết nhiều, thấy người ta làm sao, chúng bắt chước làm vậy. Nhưng có những hành động của trẻ làm chúng ta không thể không suy nghĩ như những mẩu chuyện sau đây :

Một đứa bé trai sáu tuổi, con một cảnh sát viên ở New York, xin ba cho nó đạn súng thật vì với súng giả, nó bắn em gái nó không chết như nhân vật nó thấy trong ti vi.

Một chú bé bảy tuổi ở Los Angeles bị chị bếp bắt gặp khi chú đang lấy mảnh chai cà nát bỏ vào nồi thịt trừu nấu đậu. Phải chăng đây là một hành động đầu độc cả nhà ? Hay chú bé muốn thí nghiệm một màn diễn xuất trên ti vi coi có linh nghiệm không ?

Trong khu ngoại ô ở Boston có một chú bé trai do dự khi trình cho ba quyển sổ học bạ. Cậu chỉ được toàn điểm xấu và hạng thật thấp. Cậu đề nghị cách giải quyết vấn đề điểm xấu :

« Dễ lắm ba à. Mình đi mừng lễ Chúa Giáng Sanh cho cô bằng một hộp sô cô la có nhét thuốc độc. Không ai biết đâu ba. Giống như trong ti vi tuần rồi đó mà. Có người đàn ông muốn giết vợ, nên cho vợ ăn kẹo có tẩm thuốc độc. Người vợ đâu có biết ai giết mình ».

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng trong hàng trăm ngàn câu chuyện tương tự như thế xảy ra trong thời đại nầy. Phải chăng ở Việt Nam không có những câu chuyện như vậy ? Nói rằng chưa được tỏ tường có lẽ đúng hơn. Và chúng ta mong cho sự « chưa » ấy được càng lâu càng tốt. Vào tuổi nầy, trẻ bắt đầu xa cha mẹ lần. Chúng rất muốn được an toàn, nhưng không phải lúc nào cũng nằm yên trong vòng tay mẹ. Chỉ trừ một số ít trẻ phát triển bất thường nên vẫn còn đeo mẹ luôn. Những trẻ trung bình muốn được tiếp nhận vào đám đông như mọi người, có nghĩa là nó phải làm như mọi người, dầu phải đấm đá lung tung tùy đoàn thể nó gia nhập. Nó có những hành động « cao bồi », du đảng để tỏ ra anh hùng, gan dạ như ai. Những hành động nầy do đâu mà chúng biết nếu không phải đã thấy, mà ti vi và xi nê diễn tả hấp dẫn nhứt. Con trẻ nhớ và rất có thể dùng những hành động mạnh, bất chính, dầu điều đó đối chọi với luân lý và đạo đức chúng được dạy bảo.

Trẻ con vốn hay bắt chước, nên song song với những gương xấu, nếu được nhắc nhở nhiều, trẻ cũng muốn được « thành công » với những nhân vật quang minh, chánh đại, kiểu người hùng trong trắng của trẻ thơ. Các nhân vật loại nầy thật hiếm lắm thay. Mực vẫn còn đen hơn đèn không biết bao nhiêu mà kể.

Thoạt đầu trẻ xem bất cứ chương trình nào được cho xem. Lần lần chúng biết lựa chọn, và tìm xem loại tuồng chúng ưa thích. Có một số trẻ tìm đủ mọi cách để xem cho được chương trình ti vi và mê say đến bỏ cả học hành, nhứt là khi gia đình không kiểm soát chặt chẽ.

Một cảnh sát viên ở chi cảnh sát Tân Bình không có thiện cảm với tất cả những gì liên hệ đến ti vi, vì thằng con trai nhỏ của ông mê ti vi đến bị đuổi học.

Từ mười một đến mười ba tuổi, trẻ xem ti vi lâu hơn trước nhiều vì được phép thức khuya hơn trước và chương trình học chưa đến nỗi quá nặng nề. Các học sinh cỡ lớp nhì và lớp nhứt say mê xem ti vi, thích nghe truyền thanh, xem xi nê, ưa đọc sách báo, nhứt là các trẻ thông minh. Chúng thích tìm tòi, khám phá, muốn trội hơn các bạn đồng lớp, đồng tuổi, vì vậy chúng cố gắng nhiều trong mọi lãnh vực.

Vào những năm cuối của ban Trung học, các học sinh thông minh càng ít xem ti vi hơn trước vì các chương trình ti vi kém thách thức trí năng họ. Họ lao mình vào sinh hoạt học đường và xã hội, đồng thời cố tạo một chỗ đứng tình cảm trong lòng các bạn khác phái. Các học sinh kém thông minh vẫn còn mê ti vi. Ở tuổi nầy các nữ khán giả ti vi thích chương trình ca nhạc kích động trong khi nam khán giả giảm bớt nhiều mức độ say mê. Họ lại chú ý các phim trinh thám, xử án, v.v… là những phim thách thức trí thông minh của họ. Nhưng sau đó ít lâu, các nam khán giả lại thích nhạc phổ thông và nhạc kích động hơn.

Các chương trình ti vi được sản xuất theo sự đòi hỏi của đa số khán giả. Bởi thế cứ xem tổng quát các chương trình ti vi trong xứ nào đó, ta có thể hiểu trình độ dân trí như thế nào. Cũng vì vậy những gia đình có học vấn cao ít xem ti vi, do đó con cái họ cũng xem ít. Đa số khán giả chỉ muốn được giải trí dễ dàng, cười hể hả mà không cần lý do chánh đáng, ý nhị, nên họ phủ nhận những chương trình giáo dục thuần túy. Họ lập luận ti vi là để giải trí, còn giáo dục thì quay về với sách vở.

Các nhà giáo dục cảm thấy ảnh hưởng vạn năng của ti vi, nên không chịu để cho sản phẩm khoa học tối tân nầy chỉ chiều theo thị hiếu của một số khán giả người lớn. Họ lập ra những hệ thống ti vi thuần túy giáo dục để đưa những điều ích lợi cho trí năng, cho kiến thức đến tận gia đình và học đường. Vì những điều kiện bất khả kháng nên ở Việt Nam ta vẫn còn bị hạn chế nhiều đối với chương trình thuần túy giáo dục. Những người có lòng chỉ biết im lặng chờ đợi.

Tuy nhiên, với những gì chúng ta có hiện tại, ta cũng có thể giúp ích con trẻ bằng cách hy sinh ý thích riêng, chỉ xem những chương trình nào cả gia đình cùng xem được, dẫn giải thêm cho con cái những điều chúng chưa hiểu, hoặc nghe không kịp, nhấn mạnh những điểm đáng chú ý, v.v… thì cả nhà đều vui vẻ và an lòng. Muốn làm thế phải cần những bậc cha mẹ đầy cương nghị, thật lòng yêu và chăm lo phúc hậu cho đàn con ở dưới mái gia đình mình vậy.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x