Trang chủ » 3. Nói dối

3. Nói dối

by Hậu Học Văn
6 views

Ở tuổi trẻ mọi sinh vật đều có trí tưởng tượng rất phong phú. Nhờ đó mà chúng lớn khôn. Nếu để ý ta sẽ thấy những con mèo, chó con thỉnh thoảng chạy nhảy, quay cuồng, lăn lộn, rượt bắt, né tránh dầu chỉ có một mình nó thôi, mà thú lớn không bao giờ làm thế. Chúng dường như rượt bắt một hình ảnh tưởng tượng nào đó, mà sau nầy lớn lên, chúng sẽ rượt bắt thật sự.

Trẻ con cũng vậy. Gặp một đống cát, chúng liền ngồi lại để cất nhà, định vị trí nơi nào là nhà của chúng, nơi nào là nhà của bạn bè, nhà ông bà, v.v… rồi vạch những con đường ngoằn ngoèo để tiện bề liên lạc, làm cầu hang cho xe chui qua. Trẻ cầm một miếng gỗ – có thể hoàn toàn không có chút giá trị nào – rồi chúng tưởng tượng ra đó là đầu máy xe lửa vĩ đại kéo hằng chục toa goòng, « xìn xịt » chạy dài trên con đường sắt cũng tưởng tượng nốt. Rồi những chiếc máy bay phản lực, những trận chiến kinh hồn diễn ra làm náo động cả xóm cũng đều do trí tưởng tượng cả. Thỉnh thoảng trí tưởng tượng của trẻ bị bóp méo cũng là việc tự nhiên.

Ngoài những bắp thịt hoạt động, con trẻ cần có trí não linh hoạt. Thật ra con trẻ cần được khuyến khích phải dùng trí tưởng tượng cách sáng tạo. Một phần những phát minh quan trọng mà chúng ta thụ hưởng ngày nay là sản phẩm của trí tưởng tượng trẻ con. Hồi còn bé, khi chơi nấu nước trong ấm mà ông James Watt khám phá ra sức mạnh của hơi nước. Những phát minh quan trọng nhứt của Thomas Edison cũng khởi đầu từ lúc ông còn trẻ. Mọi con trẻ đều có khả năng sáng tạo và chúng cần bày tỏ ra. Ta phải cố tránh việc đè nén khả năng tưởng tượng hoặc việc làm của trẻ mà ta thấy như không thể thực hiện được. Thường thường trẻ có khả năng tưởng tượng vượt quá khả năng của chúng. Trẻ con không thể nào suy nghĩ và lý luận rõ rệt được. Trí tưởng tượng của chúng quá linh hoạt. Chỉ sau nầy, khi lớn lên và có nhiều kinh nghiệm, chúng mới phân tách được cái nào là sự thật và cái nào là không tưởng thuần túy.

Khi đứa trẻ đến tuổi có thể phân biệt sự thật với huyễn hoặc rồi, nó kể đủ các chuyện « láo toét ». Nghe chuyện nó kể, ta có thể thấy nó kéo giãn sự thật một chút, nhưng không phải nó nói láo với ý nghĩa rõ rệt của chữ ấy. Nó không cố bóp méo sự thật. Nó chỉ chưa phân biệt rõ được sự thật với phóng đại mà thôi. Vì vậy cha mẹ không nên hoàn toàn tin lời con trẻ kể lại việc xảy ra ở hàng xóm và ở nhà trường, nhưng nếu tự mình điều tra lại, sẽ tránh được nhiều chuyện hiểu lầm với láng giềng và giáo viên.

Đây là lúc nên tập cho trẻ hiểu sự khác nhau giữa ý kiến riêng của nó và sự thật mà người khác nhìn thấy. Khi trẻ đến với ta để kể một câu chuyện phóng đại, ta cứ bình tĩnh ngồi nghe, càng bình tĩnh càng tốt. Nghe xong, mỉm cười và nói với nó :

– Thật là một câu chuyện lý thú. Nhưng bây giờ con thử kể lại, và chỉ nói những gì thực sự xảy ra thôi.

Nếu làm thế đứa bé sẽ rất ngạc nhiên mà thấy lần kể chuyện sau không hoàn toàn phù hợp với lần đầu, và nó học được sự quan trọng của việc chỉ kể lại sự thật mà thôi.

Với trẻ lớn hơn thì câu chuyện lại khác đi vì nó cố ý bóp méo sự thật (và nó biết vậy) cho phù hợp với ý nghĩ của nó. Vì vậy ta phải hết sức cẩn thận trước khi kết luận hoặc tin theo câu chuyện con trẻ. Trong phút tinh thần căng thẳng người ta thường nhìn thấy sự việc xảy ra hơi khác nhau – cả người lớn cũng vậy. Ba người chứng kiến một tai nạn xe hơi vô cùng khủng khiếp. Đứng trước tòa án, lời chứng của ba người đều hơi khác nhau vì mỗi người kể lại tai nạn kia theo cảm quan của mình. Nếu ta không biết gì hết về tai nạn ấy mà chỉ nghe lời khai của ba nhân chứng thôi, thế nào ta cũng đi đến kết luận : Có người khai man.

Với người lớn còn vậy, làm sao ta trách trẻ con được. Thật dễ cho đứa bé kể lại câu chuyện theo ý nghĩ của nó đến nỗi nó bắt đầu tin câu chuyện nó kể là chuyện thật. Khi trẻ nói cho ta nghe về sức mạnh và tánh hào hiệp của nó, nó kể cách linh hoạt đến ta tin ngay rằng nó có thể đánh ngã bất cứ người nào nó gặp ngoài đường, nhưng suy luận lại, ta sẽ thấy việc ấy chẳng qua chỉ là lời khoe khoang khoác lác mà thôi.

Nếu sự khoác lác nầy cứ tiếp diễn mãi, thế nào cũng đến lúc ta tự hỏi : Tại sao trẻ làm vậy ? Có phải vì nó kém sức khỏe ? Hoặc nó kém thông minh hơn các trẻ cùng lớp ? Hay có sự ganh tị trong gia đình ? Nó bị bỏ rơi chăng ? Hay nó bị đối xử bất công ?…

Trả lời cho câu hỏi tại sao em nói dối, một em bé cho biết :

– Nếu ba không đánh em, em sẽ không nói dối đâu.

Nếu người cha được hỏi tại sao đánh con, có lẽ ông sẽ đáp :

– Nếu nó không nói dối nữa, tôi cũng không đánh nó nữa làm gì.

Xét trên thực tế trong một gia đình trung trung ở Việt Nam, mà cũng có lẽ ở bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, lời nói thật của con trẻ thường đưa đến một hậu quả bi đát cho nó.

Bé Thành ở lớp Tư. Nó học rất giỏi, gần như luôn luôn được đứng tên trên bảng danh dự của trường. Không hiểu vì lẽ gì ba tuần lễ nay nó bị sụt xuống hạng 7. Tất cả bài học đều thuộc, bài làm đều đúng – ít ra nó cũng nghĩ vậy – mà vẫn không lên hạng nổi. Ba nó hăm :

– Nếu tuần nầy mầy vẫn còn « nằm » ở dưới nữa thì đừng có trách.

Tuần nầy Thành vẫn không « leo » lên nổi. Khi bị hỏi, Thành đáp là nó đứng hạng ba. Nó không dám nói đứng nhứt, vì như vậy thì láo quá rồi, cũng không dám nói thật là hạng sáu, vì sợ bị đòn. Nó đành nói láo một nửa vậy. Ba của Thành đã không dò xét kỹ lại tỏ ý khen con và hứa sẽ thưởng cho nó. Thì ra nói láo có lợi, vừa khỏi bị đòn mà còn được thưởng nữa ! ?

Kim Oanh lỡ tay làm bể hũ đường. Mẹ hỏi, em thú thật. Liền đó những cái tát tai nẩy lửa giáng vào mặt mũi, những cái cú đau điếng đổ liên hồi lên đầu, những câu la rầy chưởi mắng xoáy mạnh vào hai tai em. Ít hôm sau, em rủi làm đổ hộp sữa. Mẹ hỏi em, em chối, viện lẽ đi chơi mới về. Mẹ có vẻ giận lắm nhưng không đánh em cái nào cả. Cũng may Oanh chưa đổ lỗi cho ai, vì làm thế em đã đi một bước sâu hơn nữa trong con đường khó trị.

Như vậy, một trong những nguyên nhân nói láo là để tránh cơn thạnh nộ trút xuống chúng không chút tình thương. Trẻ nói láo để tự vệ, vì chúng yếu mà người lớn mạnh, người lớn có trọn quyền muốn làm gì chúng thì làm. Tuy nói dối như vậy, đứa trẻ không có ý định xuyên tạc sự thật hoặc gieo hoang mang cho người nghe, có nghĩa là chưa đến nỗi trầm trọng lắm. Không phải một người nói dối vài lần là đã quen thói nói dối đâu. Vì vậy những người làm cha mẹ phải tìm hiểu trẻ và tránh, đừng cho nó có dịp nói dối nữa. Phải cố tạo tánh ngay thật vốn có trong nó. Chỉ khi nào nó sống trong hoàn cảnh không tốt, giữa những con người gian xảo, đầy mánh khóe, nó mới trở nên đứa nói dối thực thụ.

Trường hợp nói dối sau đây mới đáng ngại hơn, là chỉ hơi nói sai sự thật đi chớ không bỏ hẳn sự thật. Trẻ đã quen nói dối quá rồi đến không còn sơ hở thơ ngây nữa. Nó chuẩn bị, sắp đặt trước những lời nói, cho vẫn còn sự thật hoặc căn cứ trên sự thật nhưng đã được thêm nhưng thêm nhụy, làm cho đẹp hơn, hoặc bóp méo hay giảm sự thật đi ít nhiều. Điểm tế nhị trong việc nầy là đứa trẻ đóng kịch rất khéo. Nó làm ra vẻ rất thơ ngây, thật thà cách vô cùng khách quan khi nó nói dối. Để đánh lạc sự chú ý của người khác, nó lại đả kích dữ dội những mánh khóe của người khác mà riêng nó, nó vẫn sử dụng.

Ông Raymond Beach trong quyển « Nous et Nos Enfants » có thuật chuyện các học sinh trong một trường nội trú nọ thường trái lịnh giám thị, họp nhau lại nói chuyện và làm ồn trong giờ tắt đèn đi ngủ. Khi giám thị đến, ai nấy đều đã trở về nằm yên trên giường rồi. Vì không ai chịu thú tội nên cả phòng đều bị phạt. Có một học sinh về nhà kể lại chuyện nầy cho ba mẹ nghe. Nó tỏ vẻ rất khinh khi những đứa khiếp nhược đã làm cho mọi người bị phạt. Nhưng chỉ ít hôm sau người ta khám phá ra chính nó là một trong những đứa đầu đảng của các cuộc ồn ào nọ.

Khi khám phá ra trẻ nói láo, ta phải xử trí như thế nào ?

Trước hết hãy trầm tĩnh. Bắt trẻ đi súc miệng là cách có nhiều người áp dụng, sẽ không làm cho trẻ hết nói láo, trái lại nó càng ghét cay ghét đắng ta hơn. Bắt nó xưng tội trước mặt người khác cũng chẳng giúp được gì, mà có thể làm cho nó cảm thấy không còn muốn nói thật nữa. Nhưng ta xử đúng cách và đúng lúc, ta có thể làm cho nó muốn thú nhận và xin lỗi. Đó chính là điều ta muốn thâu hoạch.

Hình phạt không dạy trẻ được bao nhiêu. Thường khi hình phạt như vậy chỉ là một hành động để thỏa lòng giận dữ của cha mẹ thôi. Nhiều khi cha mẹ đánh con vì giận lẫy xóm giềng, hoặc để làm thỏa lòng người hàng xóm. Đó thật là việc bất công vô cùng. Trẻ bị đánh đập như vậy cảm thấy mình cô độc và không ai hiểu mình cả. Việc phạt con như vậy không chữa được tánh nói dối của nó.

Không ai dạy trẻ nói thật được khi người lớn sống với hai ba bộ mặt khác nhau cùng những chuyện hơi láo một chút được thốt ra mỗi ngày. Người lớn có thể tạo một bức tường giả dối để bảo vệ họ, làm như họ rất thật thà, chánh trực, nhưng bức tường ấy không che đậy nổi bản chất thật của họ trước cặp mắt trẻ thơ. Vì vậy muốn giúp trẻ chừa tánh nói láo, ta phải cải thiện lối sống trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ con. Phải cẩn thận những lời hứa của ta với trẻ. Khi đã hứa, cố thực hiện cho được.

Không ai không biết chuyện thầy Tăng Tử làm thịt heo cho con ăn vì lời hứa vô tình của vợ. Mẹ thầy Mạnh Tử vì lỡ lời, phải qua nhà hàng xóm mua thịt heo về cho con ăn. Đó là những gương rất sáng trong việc dạy con không nên dối trá.

Ông James Abraham Garfield, cố Tổng Thống Hoa kỳ, khi còn là một giáo viên trường làng đã có lần phải đi bộ sáu cây số trong một đêm mưa bão để trả cho cậu học trò con dao mà ông đã mượn và hứa trả vào mãn giờ học, nhưng ông quên lãng đi mất cho đến khi học sinh đã về hết rồi. Có nhiều người cho rằng đến sáng hôm sau ông Garfield vẫn có thể trả dao lại cho học trò được, nhưng ông nói : « Lời hứa là lời hứa, tôi phải giữ đúng lời hứa của tôi ».

Những bậc hiền minh ấy không muốn tạo hai cái mẫu mực, hai cái luân lý khác nhau giữa người lớn và trẻ con như thường tình nhân thế vẫn làm. Họ không chấp nhận câu nói : « Tao biểu sao thì mầy làm vậy, chớ đừng bắt tao phải làm như mầy, vì mầy là con nít còn tao là người lớn ». Họ biết rằng trẻ con thấy người lớn không làm theo điều mình dạy, khi nó có đủ trí khôn, có đủ tự do, nó sẽ không theo cái lề lối trẻ con phải theo, mà theo « lề lối người lớn ».

Thử xét kỹ lại, ta sẽ thấy mình lừa dối trẻ con quá nhiều. Từ lời hứa cho đi dạo chơi, mua sắm đồ đạc, đến, gạt chúng nói thuốc đắng là ngọt, chích loại thuốc đau xé thịt mà nói với chúng là không đau, v.v… Thế mà ta buộc chúng không được nói dối có phải là oan ức và bất công cho trẻ lắm không ?

Để dạy trẻ đừng nói đối ta phải làm gương không nói dối trước đã, sau đó cố phân tách xem tại sao trẻ nói dối, và theo những điểm căn bản dưới đây để sửa đổi tánh nói dối của trẻ :

– Đừng vội kết luận theo lời trẻ định nói. Phải giúp trẻ hiểu biết điều gì là phải, điều gì là sai.

– Giúp trẻ nhận thấy sự khác biệt giữa sự thật và ảo tưởng. Đừng đè bẹp khả năng sáng tạo của trẻ.

– Cố tìm hiểu coi tại sao trẻ không nói thật. Có phải nó định lừa dối ta chăng ?

– Nếu thấy trẻ không chú ý lừa ta, nên cẩn thận hơn trong việc dạy nó. Không khéo, sau nầy nó sẽ nói láo hơn nữa để tránh bị phạt.

– Nên cho trẻ biết là cha mẹ tán thưởng điều tốt mà nó làm. Điều nầy sẽ khích lệ nó rất lớn và giúp cả gia đình sống gần gũi nhau hơn.

– Trên hết, hãy tự mình làm gương cho tánh thật thà và lòng trung thành. Nếu mẫu mực ta nêu ra là phải, trẻ sẽ cố theo mẫu mực ấy và áp dụng suốt đời nó.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x