Trang chủ » III. Tập thói quen tốt

III. Tập thói quen tốt

by Hậu Học Văn
5 views

Khi nói đến thói quen, có một số người cho rằng đó là những hành động không tốt mà người ta thường làm. Sự nhận xét kia chỉ đúng một phần thôi. Trong vấn đề thói quen, có cả thói tốt và thói xấu. Như vậy để định nghĩa chữ thói quen, ta có thể nói : thói quen là một hành động nào đó ta làm quá nhiều lần đến sau nầy cứ tự động làm lại mà không cần suy nghĩ, lý luận nào cả. Thói quen cũng dự một phần rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Có bao giờ ta phải mất thì giờ suy nghĩ nên cầm chén cơm tay nào, cầm đũa tay nào mỗi khi ăn cơm không ? Lúc mặc áo tại sao ta xỏ tay mặt vào trước (hoặc tay trái tùy người) ? Nếu hôm nào xỏ tay kia trước, ta sẽ thấy vô cùng ngượng nghịu, lúng túng. Nếu có ai hỏi :

– Khi mặc áo tại sao bạn lại xỏ tay mặt trước ?

Chắc chắn ta sẽ trả lời :

– Tại quen vậy rồi.

– Tại sao bạn quen vậy ?

– Tại hồi nào đến giờ tôi vẫn làm vậy.

Vì thói quen có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, nó cũng tố giác cho người khác biết một người nào đó ở trong thành phần nào đó của xã hội. Vì lẽ đó, chúng ta cần tập thói quen sớm cho con trẻ. Nếu để trẻ lỡ nhiễm phải thói quen xấu, sau nầy không dễ gì thay đổi được. Trên phương diện tập thói quen, không có vấn đề quá sớm. Phitarch đã từng nói : « Sáp mềm dễ ghi dấu ấn thể nào thì tâm trí của trẻ thơ cũng dễ ghi lời giáo huấn thể ấy ».

Những thói quen mà ta có thể tập ngay cho trẻ vừa ra đời là ngủ nghỉ, nô đùa, bú sữa, tắm rửa cho có giờ giấc. Cũng trong thời gian ấy ta có thể vì quá yêu trẻ, cũng có thể để tránh sự bực mình mà cha mẹ vô tình tập cho trẻ những thói quen xấu bằng cách hễ khi trẻ cất tiếng khóc thì có người bồng ẵm ngay, hoặc tệ hơn nữa, mẹ nó chìa vú cho nó ngậm. Có thể trẻ nín, không làm phiền ta, nhưng cái hại trường kỳ quá mắc sánh với cái lợi tạm thời kia.

Khi trẻ lớn hơn ta cần tập cho chúng những thói quen khác, như đại tiện chẳng hạn. Mỗi ngày, sau khi ăn sáng, cho đứa bé ngồi bô. Cứ làm như đó là việc hết sức thông thường. Đừng quan trọng hóa, cũng đừng làm ra vẻ ghê tởm, tránh né. Tập trẻ được thói quen nầy, bà mẹ đỡ bực mình và khỏi phí thì giờ những lúc không thật cần thiết đặc biệt những lúc gia đình dự định đi du ngoạn hay những chuyến đi xa.

Cũng cần tập cho trẻ thói quen đánh răng sau mỗi bữa ăn. Sắm cho trẻ một bàn chải nhỏ, tập cho chúng cách thức chà răng cẩn thận từ trong ra ngoài, rồi từ trên xuống dưới. Luyện cho trẻ thấy đấy là điều vui thích mà có lợi ích hơn là sự bắt buộc khó chịu.

Nên dạy trẻ giữ thứ tự, ngăn nắp các đồ chơi của chúng. Cả giày dép, áo quần nữa. Chỉ định cho chúng những chỗ hẳn hoi để cất vật nào theo chỗ nấy. Muốn tập cho trẻ tánh thứ tự, ta phải làm như việc dẹp cất đồ chơi xong là một trò chơi lý thú. Ví dụ, ta vừa tiếp trẻ dọn dẹp, vừa nói :

– Bây giờ mình cất những miếng gỗ vào đây thành một đống lớn. Còn đằng kia là nhà xe. Trời tối rồi, mình đem xe cất vào nhà xe đi.

Khi trẻ lớn lần, ta không cần phải nhắc nhở gì nó nữa cả, vì nó đã quen việc dẹp cất đồ chơi rồi. Dù đôi khi trẻ có quên, ta cần hợp tác thân mật với chúng.

Cũng phải tập cho trẻ thói quen sạch sẽ, sạch sẽ trên thân mình, áo quần và mọi vật có liên quan đến chúng. Ngoài sự mạnh khỏe, tươi tắn mà sự sạch sẽ đem lại, đứa trẻ càng sạch càng xinh đẹp, càng đáng yêu hơn.

Tập cho trẻ sống đơn sơ trong mọi sự vì đơn sơ là một đức tính đáng yêu, và tương đối rất hiếm thấy ngày nay. Cả sự tiết độ cũng cần tập cho trẻ từ sớm, tiết độ trong sự ăn uống, nô đùa, ngủ nghỉ cũng như học hành. Giúp cho trẻ ý thức được làm việc nhà là nhiệm vụ của mọi người trong gia đình, không phân biệt gái hay trai, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, vì sau nầy chúng phải tự lo săn sóc ngôi nhà riêng của chúng. Hơn nữa việc làm giúp cho con trẻ ý thức được vai trò của chúng trong xã hội thu gọn, để chuẩn bị đảm trách chức vụ quan trọng hơn trong xã hội rộng lớn.

Trẻ con cần phải quen vâng lời, tuân lịnh người có quyền, tự chủ lấy ý muốn mình, tập bảo vệ trật tự chung và sống cách có lợi cho người khác. Mỗi đứa bé ngày nay sẽ là một người tiếp tay kiến tạo xã hội ở ngày mai, hoặc sẽ là người nguy hiểm cho nhân loại đều tùy một phần lớn thói quen ta tập cho chúng hiện giờ.

Tuy có những người cố chống lại, nhưng không ai đánh đổ được ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống hằng ngày của con người. Bởi vậy, ta cũng nên tập cho con trẻ quen việc lễ bái. Cho trẻ quen không khí trang nghiêm thánh khiết của giáo đường, để cho chúng thấy nơi ấy là chốn ngơi nghỉ của thể xác lẫn tâm hồn mệt mỏi, chán chường, là nơi chúng có thể nhận được nguồn hy vọng vui thỏa để khỏa lấp những phũ phàng mà chúng gặp phải trong cuộc đời đấu tranh gian khổ nầy. Có điều người lớn chúng ta không thể quên là một đứa trẻ có thể rất sùng tín, nhưng nếu những thói tật xấu của nó không được sửa lại, có thể lắm những tật xấu kia thắng thế, đè bẹp những ý niệm tốt về tôn giáo, và đứa bé có thể bị hư mất hoàn toàn. Trên điểm nầy, vai trò của cha mẹ thật vô cùng quan trọng. Không phải con trẻ cần nghe và đọc kinh mỗi ngày, nhưng chúng cần thấy đời sống đạo đức được thể hiện rõ ràng trước mắt, mà cha mẹ là những người chúng gặp gỡ thường xuyên và gần gũi hơn hết. Hơn nữa trong trí non nớt của trẻ, chúng không thể hiểu Chúa hay Phật như thế nào, chúng đem liên kết các Đấng linh thiêng ấy với hình ảnh người cha của chúng là người mà chúng ngưỡng mộ và thán phục hơn hết. Chẳng may nếu chúng gặp phải người cha độc ác, bê tha, mở lời là chưởi rủa vợ, vung tay là đánh đập con, thì Chúa hay Phật đối với trẻ không phải là Đấng từ bi, bác ái, nhưng chính là hung thần với tánh khí hiền dữ bất nhứt, và tôn giáo chỉ là một mối đe dọa thường xuyên với âm mưu lật lường không ai dò trước được.

Con trẻ có biệt tài bắt chước theo hành động của người lớn. Thường khi chúng làm theo nhưng không hề cần biết hành động kia là tốt hay xấu, đáng theo hay đáng bỏ.

Một bà mẹ hay lặt rau ở nhà sau, nghe mấy đứa con cãi nhau om sòm ở nhà trước, bà la vói lên hoài mà chúng chưa chịu nín. Bà tức quá, bỏ rổ rau chạy lên, quơ tay hết lớn :

– Tại sao tao biểu tụi bay nín đi mà bây chưa chịu nín ? Cứ gây gổ hoài, um sùm lên như bầy chó hoang. Còn thằng Tâm, con Trinh, hai đứa bây chỉ chuyên môn ăn hiếp đánh đập em nhỏ… không biết xấu hổ…

Mấy đứa nhỏ tiu nghỉu. Nhưng con Trinh lên tiếng đính chánh :

– Tụi con đâu có gây lộn, đâu có ăn hiếp em…

Không đợi con nhỏ dứt câu, bà mẹ la át :

– Mầy còn già mồm với tao hả Trinh ? Mầy không ăn hiếp em chớ mầy làm gì cho nó la như heo bị thọc huyết vậy ? Hả ?

Con Trinh thụt cổ nín khe. Thằng Tâm cố thu can đảm, thưa :

– Tụi con đang chơi trò chơi…

– Trò chơi gì rừng rú vậy ? Phải cái lẻo mồm lẻo mép thì không ai bằng tụi bây. Chơi cái gì mà mọi rợ vậy, tụi bây thử nói tao nghe coi…

– Dạ… tụi con… đang diễn trò chơi làm ba làm má…

Bà mẹ đỏ mặt, há hốc mồm ra, đứng chết trân trước mặt mấy đứa con. Bà không ngờ câu trả lời của mấy đứa con như vậy. Chúng nói lên một sự thật và sự thật ấy diễn ra trước mặt chúng mỗi ngày.

Con trẻ là vua bắt chước. Vì vậy để tập thói quen tốt cho trẻ con, ta cần phải tập thói quen tốt cho mình trước, cùng sửa lại những thói quen không tốt mà mình đã lỡ nhiễm phải. Một phần thói quen của ta là do ý thích của riêng mình như hút thuốc, uống rượu, chơi thể thao, chơi nhạc, v.v… Nhưng ta có thể dùng trí thức để sửa những thói quen thích đáng cho mình. Bạn thích nhạc, tôi cũng thích nhạc. Nhưng có thể loại nhạc bạn không thích hợp với tôi, vì bạn thích loại nhạc vui nhộn tưng bừng, còn tôi thích loại nhạc êm dịu, loại nhạc gây nhiều xúc cảm và bâng khuâng tâm hồn. Bạn đọc sách. Tôi cũng đọc sách. Có lẽ bạn chê loại sách của tôi đọc là vô bổ, còn loại sách của bạn đọc mới là sách có giá trị. Tại sao có sự khác biệt ấy ? Ngoài những ảnh hưởng di truyền, văn hóa, xã hội, còn phải kể thói quen mà ta tập thành.

Khi mới tập thói quen, ta cần đến sự chú ý cũng như cần đến trí thức hỗ trợ. Nhưng khi thói quen đã thành hình lần thì sự chú ý không còn quan trọng nữa. Thói quen được kết hợp lần trong hai thời kỳ khác nhau : thời kỳ thiết lập và thời kỳ hoàn thành.

Khi đã đến thời kỳ hoàn thành thì thói quen đã đâm rễ trong ta, ở mãi với ta. Lúc bấy giờ ta có xu hướng tái diễn một hành động nào đó cách tự động. Sự chú ý không còn cần thiết nữa. Trí thức ít có ảnh hưởng trên nó, ngoại trừ trường hợp ta cương quyết thay đổi thói quen ấy đi. Làm thế ta phải cố gắng chiến đấu với ý chí, và cương quyết mới mong thắng được. Nếu ta quen đọc loại sách giải trí rẻ tiền mà bây giờ muốn đổi qua loại sách khảo cứu giá trị, ta sẽ thấy việc ấy vô cùng khó khăn. Không phải sách khảo cứu quá cao sánh với văn hóa căn bản của ta ; không phải lối hành văn khó hiểu ; không phải bởi tư tưởng cầu kỳ của tác giả, chỉ tại ta không quen tập trung tư tưởng để suy luận, để tìm hiểu tác giả muốn trình bày điều gì đó thôi. Nói cách khác, ta đã quen với những tình tiết éo le, những bi khúc lâm ly, những mẫu chuyện kích thích trí tưởng tượng của ta cách dễ dàng mà không cần suy nghĩ, nên cảm thấy những thứ sách không đồng loại kia rất « khó tiêu ». Tuy nhiên nếu có đọc, thì càng đọc ta càng thấy dễ chịu hơn, và đến một thời kỳ nào đó, ta không còn thích đọc loại sách « rẻ tiền » mà ta hằng ham thích trước kia nữa. Bởi thế tập thói quen từ sớm cho đứa trẻ sẽ dễ dàng và có lợi cho nó hơn.

Phải tập cho trẻ luôn luôn thốt lời « cảm ơn » khi được giúp đỡ ; « làm ơn » khi thỉnh cầu một điều gì ; lại cũng phải nói « xin lỗi » khi có lỗi lầm với ai, làm tổn thương một người nào hoặc bị bắt buộc phải làm trở ngại một người nào khác. Dạy cho trẻ thấy rằng những lời nói ngắn ngủi kia không làm chúng mất thể diện, trái lại nó tăng thêm phẩm chất, mọi người sẽ trọng nể và quí mến chúng hơn là nếu chúng dùng những tiếng chưởi thề, những lời nói tục tĩu làm tiếng mở đầu câu nói.

Trẻ cũng cần tập thói quen lễ độ với mọi người. Ngay trong lãnh vực nầy, người lớn cũng vẫn phải làm gương cho trẻ. Một phần lớn sự việc trẻ học được là do trẻ bắt chước theo người lớn. Tuy ta không để ý đến việc ấy, thực ra con trẻ luôn luôn quan sát thái độ, tư cách, lời nói của người lớn và âm thầm làm theo. Chắc hẳn có lần bạn ngạc nhiên khi nghe đứa bé mới lên bốn, năm tuổi thôi, nhưng nói những câu thật « văn chương bóng bẩy », dùng những chữ thật tối nghĩa mà chắc chắn nó không hiểu gì cả. Nếu ta muốn con trẻ lễ độ, ta không thể kém lễ độ hơn chúng.

Vị tha là một đức tánh hiếm thấy ở thời đại nầy. Con người càng ngày càng xuống dốc, luân lý càng bại hoại, tội ác càng thêm dẫy đầy là dấu chỉ con người đã gần đến ngày tận diệt. Tất cả những sự kiện suy đồi nầy đã được tiên đoán trong Kinh Thánh sách II Ti mô thê 3 : 1-15 bằng lời lẽ nầy :

« Hãy biết rằng trong ngày sau rốt sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy, phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó… »

Trong các tội đã kể ra, ta thấy tư kỷ đứng đầu. Tư kỷ tức nghịch lại vị tha. Dầu vị tha là đức tánh rất hiếm ; rất cao quí, nhưng ta vẫn có thể luyện cho trẻ có thói quen giúp đỡ người khác được.

Khi trẻ hãy còn nhỏ, ta có thể tập cho chúng bớt nghĩ về mình bằng cách cho trẻ khác chơi chung đồ chơi của nó. Khi có nhiều đồ chơi, chúng có thể chia sớt bớt cho trẻ khác cũng được chơi, tức cả đôi bên đều được vui và tình thân ái càng thêm đậm đà. Cần dạy cho trẻ biết phải nghĩ đến người khác, giúp đỡ người khác chớ không phải lúc nào cũng biết có một mình thôi. Trong mọi sự mà người ta đóng góp cho đời, chỉ có lòng vị tha là cần thiết và có giá trị hơn cả. Tập cho trẻ quen nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, coi điều ấy là trọng hơn sự đau đớn mà riêng nó phải mang.

Ở Âu Mỹ có nhiều gia đình treo một cái hộp nhỏ nhỏ ở trong nhà, gọi là « Hộp Thương Người ». Con trẻ có thể bỏ vào đấy những đồng tiền mà chúng định dùng vào việc không thật lợi ích. Số tiền kia sẽ được dùng vào việc cứu giúp những người nghèo khó. Người lớn cũng có thể bỏ tiền vào hộp ấy được. Tập thế lâu ngày lòng thương người sẽ phát lộ trong con trẻ cách tự nhiên như là một thói quen vậy.

Thói quen cũng có ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống nghệ thuật của con người. Ta thường thán phục những ngón tay bay bướm nhẹ nhàng của một dương cầm gia, say mê những nét chấm phá như đùa bỡn của một họa sĩ, và đã hơn một lần mình thầm ước cũng « làm » được như họ. Nhưng có bao giờ ta nghĩ rằng những cái điêu luyện tuyệt vời kia một phần lớn thuộc về thói quen chăng ? Đành rằng các nghệ sĩ phải tập luyện, và câu cách ngôn của người Anh rất chí lý khi họ nói « chỉ tập luyện mới đến mức toàn hảo », nhưng tập luyện để làm gì nếu không phải để làm một cử động nào đó cách thuần thục mà không phải dùng đến lý trí để phân tách xem tại sao ta làm như vậy, cũng không cần đến ý chí để buộc ta phải làm như vậy. Khi một nhạc sĩ dương cầm gặp một khối nốt nhạc đen xì gồm có những nốt mang tên la, do, mi, sol, si chẳng hạn, người bấm ngay trên phiếm ngà những nốt mang tên ấy mà không cần phải suy luận, cũng không cần nhìn xuống mặt đàn. Tại sao người đánh dương cầm làm được việc mà phần đông chúng ta không thể làm được như vậy ? Chỉ vì người đã tập quá nhiều lần những nốt nhạc mang tên ấy – có thể trong những trường hợp khác nhau trong những bản nhạc khác nhau – nhưng người không thể lầm lẫn nó với hợp âm khác. Cách thức nhìn mặt nốt nhạc thì giống nhau, nhưng điểm khác biệt giữa một nghệ sĩ và một thợ đàn là ở chỗ bấm những nốt như thế nào để có thể truyền cả hồn và ý của mình vào để phát ra những âm điệu gây được xúc cảm mãnh liệt cho người nghe, lại thuộc lãnh vực khác.

Qua một vài nhận xét ở một vài khía cạnh trong cuộc sống, ta có thể suy luận thêm và thấy thói quen đã chiếm một chỗ qua lớn trong đời người. W. James đã từng nói :

« Nếu các bạn trẻ có thể am hiểu rằng họ sẽ trở nên rất chóng có những thói tật lang thang, thì họ chú trọng đến hạnh kiểm của họ nhiều hơn trong khi tư cách của họ còn giữ cả sự mềm dẻo của nó. Ta tự kết lấy vận mạng tốt hay xấu của riêng mình bằng một thứ sợi không thể tháo gỡ ra được ».

Đối với những trẻ nhỏ, hẳn chúng chưa đủ ý thức để nhận thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của thói quen đối với cuộc đời nó sau nầy, nhưng người lớn chúng ta nhận thấy, phân biệt được những thói quen có lợi và có hại, phải mau loại bỏ cái hại, nhận lấy cái lợi và luyện lần cho trẻ. Việc luyện thói quen này phải khởi sự càng sớm càng tốt, vì để lâu chừng nào càng khó sửa lại chừng nấy.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x