Trang chủ » 3. Chọn trường

3. Chọn trường

by Hậu Học Văn
4 views

Mỗi năm qua, đứa bé càng lớn thêm và càng tiến bộ hơn. Một đứa bé từ ba đến năm tuổi thường xem cha mẹ như thần thánh. Nó làm theo điệu bộ mà cha mẹ nó thường làm. Thích nói những lời cha mẹ nó nói dầu không hiểu ý nghĩa gì hết. Khi ăn cơm, nó cũng muốn được ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm.

Nhưng sau sáu tuổi, đứa bé muốn được độc lập hơn. Lắm lúc nó không kiên nhẫn nổi với cha mẹ ở nhà. Bây giờ nó chú ý nhiều đến hành động và lời nói của trẻ khác. Nó bắt đầu xa lìa lần mái nhà nhỏ bé để hòa mình vào thế giới rộng lớn bên ngoài. Tuy vẫn còn yêu kính cha mẹ cách sâu xa, nhưng chúng cũng cố giữ kín trong lòng hơn bộc lộ ra ngoài cách cởi mở như lúc còn bé. Nó cảm thấy khó chịu hơn là sung sướng khi được hôn trước đám đông. Nó tập theo thái độ và tư cách của người lớn. Bây giờ nó không còn hoàn toàn trông cậy nơi cha mẹ để thỏa đáp mọi nhu cầu của nó nữa, mà cũng tìm những người lớn bên ngoài gia đình để giúp ý kiến và giải thích những sự vật nó muốn biết.

Đến tuổi nầy trẻ cũng đã chánh thức bước chân vào trường tiểu học. Giờ đây trẻ lại thấy thầy hoặc cô giáo của nó hiểu rộng vô cùng. Những lời thầy dạy đều là « chân lý ». Theo lời bác sĩ Benjamin Spock, một chuyên viên về các vấn đề trẻ con, thì nếu vì một lầm lẫn nào đó mà trẻ tưởng thầy dạy rằng hồng huyết cầu lớn hơn bạch huyết cầu, sau đó dầu cho cố giải thích cách mấy, nó cũng không chịu tin theo cha. Tuy vậy những ý niệm về điều phải và điều quấy mà cha mẹ đã dạy, trẻ vẫn không quên, trái lại in sâu vào lòng nó đến nỗi nó thấy như đó là ý tưởng riêng của nó. Vì thế trẻ tỏ vẻ khó chịu khi cha mẹ cứ lập đi lập lại những câu :

– Con nên làm thế nầy…

– Làm như vậy không đúng đâu, con ơi…

– Phải cẩn thận điều đó…

– …

Đứa trẻ muốn gào thét lên, « con đã biết rồi » và tự chịu trách nhiệm trên cái hiểu biết « riêng » ấy của nó.

Cũng vì trẻ đã bắt đầu chịu ảnh hưởng ở bên ngoài nhiều nên việc chọn bạn cho con chơi cũng như chọn trường cho con học là một gánh nặng cho cha mẹ.

Tiếng nói là chọn trường, nhưng thật ta có ý chọn lối tổ chức, chọn qui chế học đường và thành phần giáo viên nhiều hơn. Nói thế không có nghĩa là khu đất nhà trường và kích thước của mỗi lớp học không quan trọng, nhưng gặp tình trạng thiếu trường như trong đất nước ta hiện nay, ta khó có thể tiếp nhận sự lựa chọn nào khác hơn.

Việc giáo dục đứa trẻ là việc vô cùng hệ trọng. Dầu vậy lắm khi ta có quan niệm khá hẹp hòi đối với vấn đề giáo dục. Nhiều người cho rằng giáo dục là phát triển phần trí thức của con người. Thật ra nền giáo dục chân chánh không phải chỉ theo dõi một khóa học nào đó mà thôi. Bà E. G. White, trong quyển Education, trang 13, có viết :

« Giáo dục còn có ý nghĩa cao xa hơn việc chuẩn bị cho đời sống hiện tại. Nó có liên quan đến toàn diện con người trong suốt thời gian người sống động. Đó là sự phát triển điều hòa giữa năng lực thể xác, trí tuệ và tâm linh. Nó chuẩn bị cho học sinh hưởng một niềm vui phục vụ trong thế giới nầy, và một niềm vui phục vụ cao cả hơn ở thế giới vị lai ».

Thật vậy, một nền giáo giáo dục đúng cách không thể chỉ chú trọng riêng một khía cạnh nào đó mà thôi. Nó phải giúp con người tận dụng mọi sở năng của họ như não, xương, thịt, trí, lòng…

Không ai chối cãi tầm quan trọng của sự giáo dục, mà người chịu trách nhiệm trực tiếp ngoài cha mẹ là giáo viên. Nếu không khéo, tâm trí non nớt của đứa bé vì lỗi lầm của người hướng dẫn mà phải mang thương tích đời đời. Lắm lúc do sự bất cẩn của giáo viên cũng như cha mẹ trong việc chỉ trích, nói xấu, chưởi bới, cộc cằn, thô lỗ, v.v… đã tạo nên bản tánh khả ố của đứa bé. Giáo viên có một phần ảnh hưởng khá lớn trên con trẻ trong việc đào luyện nhân cách và sự sống còn của trẻ trong đời sống hiện tại và vị lai. Vì thế ta nghĩ thế nào nếu rủi chính ta giao con em của mình vào bàn tay nhào nặn của một giáo viên bất tài hoặc bất lực ?

Bây giờ ta thử xét một vài ưu điểm của một giáo viên chơn chánh. Như đã nói ở trên, một giáo viên chơn chánh trước hết phải hết lòng yêu học sinh. Con trẻ dễ nhận biết ai yêu nó thật và làm bộ yêu. Chỉ có tình yêu chơn chánh mới làm cho giáo viên hy sinh và lo lắng cho học sinh hết lòng. Cũng chỉ bởi tình yêu, giáo viên mới có thể thu hút học sinh thơ ngây của mình vào đường ngay nẻo thẳng, là con đường khó theo hơn lối sống buông tuồng ở đời.

Giáo viên lại cần phải hiểu và tán thưởng việc đứa bé đã được cấu tạo nên cách nhiệm mầu vô cùng. Người phải nhìn thấy ánh mắt trong sáng thơ ngây mở rộng với hằng triệu câu hỏi ẩn hiện, như tìm hiểu mọi huyền bí kỳ ảo của sự vật quanh mình nó. Lòng người phải rộn lên với niềm vui theo nụ cười hồn nhiên của đứa bé. Mỗi câu hỏi của đứa bé phải như là mỗi giọt mật ngọt lịm thấm vào tâm hồn và thể xác để nẩy sinh ra lời giải thích cũng ngọt ngào tươi mát không kém. Hơn nữa, người phải nhìn thấy tương lai chớ không phải hiện tại của đám học sinh trước mắt mình. Hiện tại dầu chúng dơ dáy, ồn ào, hay gây gổ, nghịch ngợm, phá phách, nhưng trong tương lai biết đâu trong đám trẻ thơ hỗn tạp kia lại chẳng xuất hiện những bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, văn sĩ, hoặc cả tổng thống hoặc thủ tướng nữa… Có như vậy, người mới đem hết tâm huyết mình ra mà dạy dỗ, uốn nắn, và giáo dục chúng trong niềm tin tưởng vô biên, để con trẻ cũng bắt được niềm tin ấy mà thẳng tiến trên đường học vấn.

Nếu gặp phải đứa bé khó hấp thụ lời dạy của mình, giáo viên cần phải tìm hiểu căn bản của cha mẹ nó. Nếu có thể, tìm hiểu cả ông, bà nội, ngoại của nó nữa. Phải tìm hiểu em ra đời như thế nào ? Được nuôi dưỡng ra sao ? Đã trải qua bịnh gì ? Không khí, địa thế của gia đình và khu xóm em có ở ảnh hưởng trực tiếp đến em chăng ?

Ở vào địa vị phụ huynh, nếu ta « bị » một giáo viên nào hỏi thăm về việc đó, đừng vội cho họ tò mò, muốn biết đời tư của mình để bêu xấu với thiên hạ. Họ hỏi vậy vì lương tâm nghề nghiệp để tìm cách giúp đứa bé hữu hiệu hơn. Việc giáo dục đứa bé là việc chung giữa học đường và gia đình, nên tôi tin quí phụ huynh sẽ sẵn lòng giúp đỡ giáo viên để giáo viên giúp lại con em mình.

Một giáo viên giỏi là người quan sát và nhận xét bén nhạy, sẵn sàng lợi dụng mọi cơ hội để cải tiến. Dĩ nhiên giáo viên phải là người có khả năng dạy học, luôn luôn dùng ý mới, theo phương pháp mới nhứt. Đồng thời người cũng phải có khả năng gây hứng thú, tập cho học sinh suy luận, khích động lòng hăng hái, truyền hồn sống và lòng can đảm cho học sinh. Một giáo viên giỏi là người điều khiển lớp học chớ không phải là người thụ động. Giáo viên không nên lầm lẫn thái độ cộc cằn, thiếu kiên nhẫn với biết áp dụng kỷ luật : « Lời nói nặng nề và hạch sách thường xuyên làm cho trẻ hoang mang chớ không cải hóa nó được » (Trích quyển Căn bản Giáo dục Cơ đốc, trang 563). Người cũng không thể lẫn lộn kiên nhẫn với nhu nhược. Người phải phân minh trong việc thưởng, phạt. Tội nào phải phạt đúng theo điều lệ định sẵn của tội ấy. Nên nêu rõ mẫu mực lý tưởng để không ai có thể lầm lẫn được.

Một giáo viên giỏi không phải là người bày tỏ sự hiểu rộng biết nhiều của mình bằng cách trả lời ngay những câu hỏi của học sinh, nhưng tập cho học sinh mình suy nghĩ và góp ý để chúng kết luận lấy. Cách nầy tuy mất nhiều thì giờ hơn, nhưng kết quả lại tốt đẹp hơn. Lại nữa, nên tập cho trẻ suy luận lấy chớ không phải chỉ biết phản ánh lại ý nghĩ của người khác như một tiếng dội. Giáo viên phải là người bặt thiệp, nhã nhặn, vui vẻ và mềm dịu đối với nhóm học sinh thơ ngây của mình.

Giáo viên chẳng những lo về mặt trí thức của học sinh thôi đâu, nhưng còn phải lo cả về mặt thể xác và đạo đức nữa.

Giữa giáo viên và học sinh phải có sự triều mến sâu đậm lẫn nhau. Sự lưu tâm của giáo viên đối với học sinh trong cơn đau ốm, buồn thảm, nản lòng thật quí vô ngần. Giáo viên nên liên lạc thường xuyên với gia đình học sinh để báo cáo về việc học của trẻ. Có thể nhờ gia đình trợ lực cách hữu hiệu cho việc tiến triển của em. Nếu giáo viên lưu tâm đến em bé, ắt cũng sẽ lưu tâm đến gia đình em và cũng có thể giúp đỡ gia đình em được, nhứt là những gia đình không mấy khá giả, không được hiểu biết nhiều.

Một giáo viên chơn chánh là người biết dùng thì giờ nào vào việc ấy. Người phải để hết thì giờ của mình ở trường để lo lắng cho học sinh dưới sự hướng dẫn của mình. Trong suốt giờ học cũng như giờ giải trí, lúc nào cũng phải có cặp mắt của giáo viên quan sát khắp nơi. Giáo viên không nên lạm dụng giờ giải trí của học sinh để chấm điểm bài vở, vì việc ấy là việc phải làm ở nhà. Trong giờ giải trí giáo viên cần ra sân cùng nô đùa với học sinh. Giờ chơi là lúc thuận tiện nhứt để tập cho trẻ quen lối sống tập thể, là lúc đào luyện dân chủ tính, phát triển tinh thần thể thao. Sự có mặt của giáo viên ở sân chơi chẳng những khích lệ cho học sinh, nhưng cũng ngăn ngừa bớt những vụ rắc rối thường xảy ra trên sân trường. Hơn nữa, giáo viên cũng cần có những lúc để tinh thần cởi mở, cần những trận cười thỏa thích để giữ cho không khí lớp học luôn luôn tươi tỉnh và sống động.

Nếu một học đường có được thành phần giáo viên như thế nầy, hay ít ra, đa số như thế, tức là một trường lý tưởng cho con em ta.

Như đã nói, nhiệm vụ của nhà trường chỉ phụ giúp gia đình thôi. Bởi vậy gia đình vẫn phải chịu gánh phần trách nhiệm lớn hơn đối với sự học vấn và tương lai của con em, nên cần phải hợp tác chặt chẽ với nhà trường trong mọi sinh hoạt của trường. Phải tích cực dự những phiên họp giữa học đường và gia đình. Nên hăng hái góp ý kiến và nhiều khi cần góp công lẫn của vào. Lo cho việc thạnh lợi của học đường, tức con em ta sẽ được hưởng và cả những đứa trẻ xấu số hơn cũng được hưởng chung. Đó cũng là cách kiến tạo quốc gia và cải tiến xã hội.

Ngành giáo dục cũng tiến bộ song song với các ngành khoa học. Vì vậy đừng vội chỉ trích những giáo viên bỏ lề lối cổ xưa. Ta cũng cần phải tìm tòi, học hỏi để mình cũng tiến bộ theo đà tiến triển chung của thế giới hiện đại.

Không nên chỉ trích giáo viên, nhứt là khi có mặt con em mình. Nhưng cần khuyến khích, bày tỏ lòng tin tưởng nơi cố gắng của người chịu trách nhiệm giúp đỡ mình trong việc đào luyện con em mình nên người. Thỉnh thoảng nên đến viếng nhà trường, chắc chắn ta sẽ học được nhiều điều hay. Làm thế ta gián tiếp bày tỏ cho con em ở nhà biết rằng mình tin tưởng nơi nhà trường, tức giúp cho trẻ cũng tin tưởng theo. Có tin tưởng trẻ mới học hỏi được.

Khi thấy con em ta không tiến bộ đều đặn, trước khi kết luận là do thầy dạy dở, ta nên kiểm điểm lại mọi việc. Thử tìm xem con em ta có phát triển trí tuệ cũng như thể xác tương xứng với tuổi và chương trình học chăng ? Nó có đủ vật dụng đi học chăng ? Nó có đau yếu hoặc kém sức khỏe thường xuyên không ? Tai, mắt, mũi, họng đều tốt cả ? Ta có giúp đỡ gì nó được không, hay quá bận rộn với những việc khác ? Trẻ được ăn uống đầy đủ và bổ dưỡng ? Không khí gia đình có vui vẻ, hòa thuận không ? Trẻ có được giải trí ngoài trời, vận động cơ thể nhiều ? Nó có được nghỉ hè đúng cách không ? Ta có nêu gương tốt cho nó ? Có liên lạc thường xuyên với nhà trường ?… Giữa gia đình và học đường cần phải có sự thông cảm và tương trợ lẫn nhau.

Hẳn quí phụ huynh đã quá chán những trường lập ra với mục đích thương mại. Một số phụ huynh gởi con em mình đi học trong trường của các giáo hội điều khiển, vì nhận thấy những nơi ấy không phải chỉ chú trọng đến vấn đề tài chánh. Nhưng có lẽ ta không chú ý mấy đến việc xã hội của chúng ta quá hỗn loạn là do con người ít nghĩ đến tôn giáo thuần túy. Những hình thức ở đời đầu có tốt đẹp đến đâu cũng chưa đủ. Những bài học luân lý và công dân cũng chưa đủ để tạo một đứa bé thành người có lợi cho xã hội. Thế giới của chúng ta ngày nay quá chú trọng đến vật chất. Một số người có nhắc đến vấn đề thiêng liêng cũng chỉ là vấn đề môi miếng mà thôi, chớ ít có thực tâm.

Các nhà giáo dục ở Hoa Kỳ mới đây đã gióng chuông cảnh cáo về việc các trường ngày nay ít chú trọng đến vấn đề dạy giáo lý cho học sinh. Người Do Thái trong thời đại Đức Chúa Giê-su, rất chú trọng đến việc dạy đạo lý trong nhà trường. Thành phố nào không có một trường dạy đạo, họ cho như bị Đức Chúa Trời rủa sả. Thế mà một phần khá lớn của việc giáo dục ở học đường cũng như ở gia đình ngày nay chỉ là việc máy móc và hình thức mà thôi. Như vậy chẳng đáng buồn lắm sao ?

Việc giáo dục trẻ con là việc đẹp đẽ, cao cả và khó khăn nhứt, vì chẳng những nó có ảnh hưởng đến đứa bé trong đời sống nầy mà thôi đâu, nhưng cũng quyết định số phận của nó trong cõi vĩnh sanh. Câu : « Thế giới ngày mai chúng ta sẽ sống hoàn toàn tùy thuộc nơi phẩm chất của việc giáo dục con trẻ ngày nay » của Martin Vanbee, thật đáng cho chúng ta suy gẫm.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x