Trang chủ » Những quyền năng

Những quyền năng

by Trung Kiên Lê
113 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Bây giờ chúng ta đến chương mô tả những quyền năng[1] của pháp môn yoga.

1 Dhāranā – hay chú tâm – là chuyên chú tâm trí vào một đối tượng đặc biệt nào đó.

Khi tâm trí tập trung vào một đối tượng nào đó ở bên trong hoặc bên ngoài thể xác,và giữ nguyên trạng thái đó thì đạt đến trạng thái dhāranā.

2 Dòng tri thức về đối tượng đó luân lưu vô tận, gọi là dhyāna hay thiền quán.

Khi tâm trí cố quán tưởng về một đối tượng, cố giữ chặt tại vị trí đặc biệt đó, chẳng hạn như đỉnh đầu hoặc trái tim, và chỉ thọ nhận cảm giác duy nhất qua vị trí đó, chứ không phải qua bất kỳ bộ phận nào khác thì đạt đến trạng thái dhāranā (chú tâm), và khi tâm trí tự duy trì trong trạng thái đó một thời gian thì đạt đến trạng thái dhyāna hay thiền quán.

3 Khi cái đó (tức dhyāna hay thiền quán) xả ly mọi hình tướng mà chỉ phát lộ được ý nghĩa thì đó là samādhi hay trạng thái nhập định.

Khi tham thiền sẽ đưa đến trạng thái mà mọi hình tướng hay những phần ngoại giới đều bị loại trừ.

Giả sử tôi đang quán tưởng về một cuốn sách, tôi dần dần thành công trong việc tập trung tâm trí vào nó, và chỉ lĩnh hội những cảm giác nội tâm, và ý nghĩa – là những cái không thể biểu đạt được trong bất kỳ hình tướng nào. Trạng thái đó của dhyāna được gọi là samādhi hay nhập định.

4 Cả ba trạng thái này [khi thực hành] trên một đối tượng duy nhất sẽ tạo nên trạng thái samyama.

Khi hành giả có thể hướng tâm trí vào một đối tượng đặc biệt bất kỳ, và chú tâm vào đó trong một khoảng thời gian, tách biệt đối tượng ra khỏi phần nội tại thì đó là samyama hay tam chi tịnh hợp – nghĩa là cả ba trạng thái dhāranā (chú tâm), dhyāna (thiền) và samādhi (định) cùng nối tiếp nhau để hướng cả về một đối tượng. Hình tướng sự vật tan biến mất mà chỉ còn lại phần ý nghĩa trong tâm trí.

5 Nhờ đạt đến trạng thái samyama mà xuất hiện ánh sáng của tri thức.

Khi hành giả đạt đến trạng thái tam chi tịnh hợp (samyama) thì mọi quyền năng đều nằm dưới quyền điều khiển của vị đó. Đây là công cụ vĩ đại của một hành giả yogi.

Đối tượng của tri thức là vô biên, và chúng được chia thành các loại thô, thô hơn, thô nhất, và tế vi, tế vi hơn, tế vi nhất, v.v… Trạng thái tam chi tịnh hợp này trước tiên nên được áp dụng vào những sự vật thô, và khi hành giả bắt đầu hiểu được sự vật thô thì dần dần từng bước áp dụng vào những sự vật tế vi hơn.

6 Điều đó (tức trạng thái samyama hay tam chi tịnh hợp) nên được thực hành theo từng giai đoạn.

Đây là lời cảnh báo không được cố sức luyện tập quá nhanh.

7 Cả ba mục luyện tập này mang nhiều yếu tố nội tâm hơn hơn những mục luyện tập trước đó.

Ở phần trước, chúng tôi đã mô tả các mục pratyāhāra (kiềm chế các cơ quan), prānāyāma (điều khiển nguyên sinh khí), āsana (tư thế), yama (ngũ giới) và niyama (ngũ hạnh), các mục này mang yếu tố bên ngoài hơn các mục dhāranā (chú tâm), dhyāna (thiền) và samādhi (định).

Khi hành giả đạt đến ba trạng thái sau thì vị đó có thể đạt được toàn trí và toàn nhiên phổ hiện, nhưng đó vẫn chưa phải là giải thoát. Chúng không làm cho tâm trí đạt được trạng thái nirvikalpa (vô phân biệt), bất biến, mà vẫn lưu lại hạt giống cho việc tái sinh.

Chỉ khi nào những hạt giống này bị “sấy khô”, theo cách nói cả các hành giả yogi thì chúng mới không còn khả năng sinh ra cây nữa. Những quyền năng này không thể làm cho hạt giống đó bị sấy khô được.

8 Nhưng thậm chí các mục luyện tập này (nghĩa là dhāranā, dhyāna và samādhi) cũng nằm ngoài trạng thái vô chủng định [ seedless samādhi]

So với trạng thái vô chủng định thì thậm chí cả ba mục này cũng đều là những yếu tố bên ngoài. Chúng ta vẫn chưa đạt đến trạng thái chân định, là cảnh giới tối cao, mà còn ở một mức thấp hơn, trong đó vũ trụ vẫn tồn tại y như ta đang thấy, và chứa tất cả những quyền năng được mô tả trong chương này.

9 Bằng cách chế ngự những biến động nhiễu loạn của tâm trí, và nâng cao những ấn tượng điều khiển, tâm trí kiên trụ trong trạng thái điều khiển đó được gọi là đạt được sự chuyển biến có khả năng điều khiển.

Điều đó có nghĩa là trong trạng thái đầu tiên của samādhi (định) thì những chuyển biến của tâm trí đều bị chế ngự, nhưng chưa thật hoàn toàn, bởi vì nếu được chế ngự hoàn toàn thì chúng không còn phải chuyển biến nữa.

Nếu có sự chuyển biến nào thúc đẩy tâm trí tuôn ào ra qua các giác quan, và hành giả yogi cố chế ngự nó thì chính hành động chế ngự đó đã là một chuyển biến khác rồi.

Một con sóng bị chế ngự bởi một con sóng khác thì đó không phải là trạng thái định thực sự, khi tất cả những con sóng đều bị khuất phục thì bản thân sự chế ngự đó cũng tồn tại như một con sóng. Tuy nhiên, trạng thái định ở dạng thấp này lại rất gần gũi với định ở dạng cao, hơn là khi tâm trí đang nhiễu loạn.

10 Dòng chảy của nó trở nên đều đặn nhờ thói quen.

Nếu kiên trì luyện tập hằng ngày thì việc liên tục điều khiển tâm trí trở nên êm xuôi đều đặn, và tâm trí đạt được khả năng tập trung thường xuyên.

11 Tiếp nhận tất cả mọi đối tượng và chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất, đó là hai sự chuyển biến của tâm trí. Khi cái đầu tiên bị trấn áp thì cái kia bị hiển lộ, chitta – hay tâm – đạt được sự chuyển biến gọi là samādhi (định).

Tâm trí thường tiếp nhận nhiều đối tượng khác nhau, thâm nhập vào tất cả sự vật. Đó là trạng thái thấp. Tâm trí còn có một trạng thái cao hơn là khi nó tiếp nhận chỉ có một đối tượng và loại trừ tất cả mọi đối tượng khác. Kết quả là trạng thái samādhi (định).

12 Sự chuyển biến này – được gọi là trạng thái nhất tâm – đạt được khi ấn tượng quá khứ và ấn tượng hiện tại tương đồng với nhau.

Làm thế nào để chúng ta biết rằng tâm trí đã bắt đầu tập trung? Ý niệm về thời gian biến mất. Thời gian trôi qua mà ta không hay biết, hễ thời gian đó càng nhiều thì chúng ta càng tập trung sâu.

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thấy rằng khi chuyên chú vào đọc sách thì chúng ta không còn để ý gì đến thời gian nữa, rồi khi rời cuốn sách, ta thường ngạc nhiên sao thời gian trôi qua nhanh quá.

hời gian luôn có xu hướng hợp nhất với cái hiện tại duy nhất. Cho nên mới có định nghiã này: khi quá khứ và hiện tại hợp nhất thành một thì ta nói tâm trí đang tập trung[2].

13 Cách này (nghĩa là ba cách chuyển biến đã nói ở trên) đã giải thích được sự chuyển hóa ba lần thành vật chất và các cơ quan, liên quan đến thời gian, không gian và trạng thái.

Các câu cách ngôn 9, 11 và 12 đã giải thích sự chuyển biến ba lần trong tâm, hay chitta. Sự chuyển biến thành vật chất và thành các cơ quan cũng được giải thích tương tự. Giả sử có một cục đất. Khi được nặn thành cái lọ thì nó từ bỏ hình thức cục đất để mang hình cái lọ.

Điều này được gọi là “chuyển hóa liên quan đến hình tướng”. Xét về “chuyển hóa liên quan đến thời gian” thì có ba phương diện của thời gian: quá khứ, hiện tại, và tương lai. Ta có thể nhìn cái lọ tại bất kỳ phương diện nào của thời gian.

Cuối cùng, ta có thể cho rằng cái lọ đó là cũ, mới, hoặc sắp được tạo thành. Cái đó được gọi là “chuyển hóa liên quan đến trạng thái”. Bây giờ, theo các câu cách ngôn 9, 11 và 12 thì tâm chuyển hóa thành các biến trạng (vritti). Đây là sự chuyển hóa liên quan đến hình tướng.

Tâm trải qua những thời điểm quá khứ, hiện tại và tương lai thì đó là sự chuyển hóa liên quan đến thời gian. Cuối cùng, khi những ấn tượng gây nhiễu loạn của tâm thì mạnh mẽ, còn những ấn tượng chế ngự thì bạc nhược (xem câu 9) và ngược lại thì ta có sự chuyển hóa liên quan đến trạng thái.

Vì tâm trí là một cơ quan, cho nên sự chuyển hóa của các cơ quan liên quan đến thời gian, không gian và trạng thái cũng được giải thích như đã nói trong đoạn kinh văn trên. Sự chuyển hóa tương tự của vật chất cũng được giải thích ở phần trên.

Những trạng thái chú tâm được dạy trong những câu cách ngôn trước đó đem lại cho hành giả yogi năng lực điều khiển sự chuyển hóa tâm trí của mình theo ý muốn, chỉ có điều đó mới giúp vị đó thực hành sayama như đã mô tả trong III.4.

Nên lưu ý rằng mọi thực thể, trừ Purusha hay Chân Ngã, đều chịu sự chuyển hóa ba lần trong kinh văn này.

14 Cái bị chi phối bởi sự chuyển hóa trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai là bản thể hữu vi.

Bản thể hữu vi là ý muốn nói đến cái bản thể bị chi phối bởi thời gian và các samskāra (hành), luôn hiển lộ và biến đổi vô thường[3].

15 Biến đổi kế tục nhau là nhân của sự tiến hóa đa dạng.

16 Nhờ tu tập samyama trên ba cách chuyển hóa đó mà đạt được tri kiến về quá khứ và tương lai.

Ta không được đánh mất định nghĩa ban đầu về samyama (tam chi tịnh hợp).

Tâm trí đạt đến trạng thái này là khi nó tự đồng nhất với những ấn tượng nội tại về khách thể, loại bỏ những yếu tố bên ngoài, và nhờ tu tập lâu dài mà tâm trí duy trì được trạng thái này, và tâm trí có thể nhập vào trạng thái này trong nháy mắt thì đó là samyama.

Nếu một hành giả trong trạng thái đó muốn biết quá khứ và tương lai thì ông ta thi triển samyama lên những chuyển biến trong các samskāra (III. 13).

Một số samskāra thì đang diễn ra trong hiện tại, một số đã diễn ra trong quá khứ, và một số khác lại đang chờ diễn ra trong tương lai, cho nên khi thi triển samyama lên các samskāra đó, hành giả yogi biết được quá khứ và tương lai.

17 Thông qua samyama trên ngôn từ, ý nghĩa và tri thức – vốn thường bị lẫn lộn – mà hành giả hiểu được ngôn ngữ loài vật.

“Ngôn từ” đại diện cho câu phát biểu bên ngoài, “ý nghĩa” đại diện cho phần dao động bên trong, ý nghĩa truyền đến bộ não thông qua các kênh indriya, chuyển tải ấn tượng bên ngoài đến tâm trí, và “tri thức” đại diện cho phản ứng của tâm trí, nhờ đó mà có được nhận thức.

Cả ba yếu tố này, khi hòa hợp với nhau, tạo nên những đối tượng của giác quan. Giả sử ta nghe một từ. Trước tiên, đó là dao động bên ngoài, kế đó là cảm giác bên trong được cơ quan thính giác truyền đến tâm trí, rồi tâm trí phản ứng lại và ta biết được từ đó.

Từ mà ta biết được đó là sự hòa hợp của cả ba yếu tố: dao động, cảm giác và phản ứng. Thường thì chúng bất khả phân, nhưng một hành giả yogi có thể tách lìa chúng ra với nhau.

Khi một hành giả yogi đã đạt đến cảnh giới này mà thi triển samyama lên bất kỳ một âm nào thì ông ta hiểu được ý nghĩa của âm muốn được biểu đạt, dù do con người hay bất kỳ con vật nào thực hiện.

18 Nhờ nhận thức được những ấn tượng này [mà hành giả yogi đạt được] tri kiến về tiền kiếp.

Mỗi kinh nghiệm mà ta trải qua đều xuất hiện như dạng sóng trong chitta hay tâm, nó lắng dịu đi, càng lúc càng trở nên tế vi hơn, nhưng không bao giờ mất đi. Nó vẫn nằm ở nơi đó dưới hình thức vô cùng tế vi, và nếu chúng ta có thể làm cho con sóng đó nổi dậy trở lại thì nó trở thành ký ức.

Bởi vậy, nếu một hành giả yogi thi triển samyama lên những ấn tượng quá khứ trong tâm trí thì ông ta bắt đầu nhớ lại các kiếp trước.

19 Nhờ thi triển samyama lên những dấu hiệu nơi cơ thể một người [mà hành giả yogi] biết được tâm trí họ.

Người nào cũng có những dấu hiệu đặc biệt trên cơ thể mình để phân biệt mình với người khác, khi hành giả yogi thi triển samyama lên những dấu hiệu đó với bất kỳ người nào thì ông ta biết được bản chất của tâm trí người đó.

20 Nhưng đó không phải là sự an vui, không phải là mục tiêu của samyama.

Chỉ thi triển samyama lên thể xác không thôi thì hành giả yogi không bao giờ biết được sự an vui trong tâm trí. Điều đó đòi hỏi một samyama song đôi: trước tiên là thi triển samyama lên thể xác, sau đó là trên chính tâm trí. Nhờ đó hành giả yogi liễu ngộ được rằng tất cả đều do tâm tạo.

21 Do thi triển samyama lên hình tướng của thể xác, khả năng nhận thức hình tướng bị chướng ngại, và năng lực hiển lộ nơi đôi mắt bị tách lìa [khỏi hình tướng], do đó mà thể xác của hành giả yogi trở nên vô hình.

Một hành giả yogi đứng giữa căn phòng này có thể làm cho mình biến mất trước mắt mọi người. Thực ra, ông ta không hề biến đi đâu cả, nhưng sẽ không một ai nhìn thấy ông ta hết. Hình tướng và thể xác, có thể nói như vậy, đã tách lìa nhau.

Các bạn phải nhớ rằng điều này chỉ có thể thực hiện được khi hành giả yogi đạt được năng lực tập trung tư tưởng đến mức hình tướng và sự vật được tạo theo hình tướng đó tách lìa nhau.

Rồi ông ta thi triển samyama lên hình tướng đó khiến khả năng nhận thức nó bị cản trở, bởi vì khả năng nhận thức hình tướng xuất phát từ sự tiếp thông giữa hình tướng và sự vật được tạo theo hình tướng đó.

22 Sự biến mất hoặc ẩn giấu của ngôn từ được phát biểu, cùng những sự việc khác, cũng được giải thích theo cách này.

23 Karma (nghiệp) gồm hai loại: một loại quả báo nhãn tiền, một quả báo chậm về sau. Khi thi triển samyama lên những nghiệp quả đó, hoặc trên những thứ được gọi là arishta (điềm báo), hành giả yogi biết chính xác thời điểm mình từ bỏ thể xác.

Khi một hành giả yogi thi triển samyama lên karma của mình, trên những ấn tượng đang diễn ra trong tâm trí cùng những ấn tượng đang chờ sẽ diễn ra thì nhờ những ấn tượng đang chờ diễn ra, người đó sẽ biết chính xác thời điểm xác thân mình gục ngã.

Ông ta biết chính xác khi nào mình sẽ chết – vào giờ nào, thậm chí vào phút nào. Người Ấn đánh giá rất cao tri thức hay ý thức về giây phút lâm chung, bởi vì trong kinh Gitā dạy rằng những suy nghĩ lúc sắp lìa đời có một quyền năng rất lớn trong việc quyết định kiếp sau.

24 Khi thi triển samyama lên tình bạn, lòng nhân từ, v.v… [I.33], hành giả yogi đều đạt những phẩm tính vượt trội tương ứng.

25 Khi thi triển samyama lên sức mạnh của con voi, và trên những sinh vật khác, hành giả yogi đạt những sức mạnh tương ứng.

Khi một hành giả yogi đạt được samyama và cần đến sức mạnh, ông ta thi triển samyama lên sức mạnh của một con voi và đạt được sức mạnh đó. Năng lực vô tận đều có sẵn nơi mỗi người, chỉ cần người đó biết cách thu hoạch được nó. Hành giả yogi khám phá ra khoa học thu hoạch năng lực này.

26 Do thi triển samyama lên ánh sáng rực rỡ [I.36] mà đạt tri kiến về những điều tế vi, những điều bị chướng ngại và những điều sâu xa.

Khi thi triển samyama lên ánh sáng rực rỡ nơi tim, hành giả yogi thấy được những điều sâu xa, chẳng hạn những điều xảy ra ở một nơi xa, bị núi sông cách trở, cũng như những điều vô cùng tế vi.

27 Do thi triển samyama lên mặt trời mà đạt tri kiến về thế gian.

28 Do thi triển samyama lên mặt trăng mà đạt tri kiến về tinh tú.

29 Do thi triển samyama lên sao Bắc Đẩu mà đạt tri kiến về sự chuyển động của tinh tú.

30 [Do thi triển samyama] lên cuống rốn mà đạt tri kiến về cách cấu tạo thân xác.

31 [Do thi triển samyama] lên cuống họng mà không còn đói khát.

Khi bụng đói cồn cào, nếu hành giả yogi thi triển samyama lên cuống họng thì cơn đói sẽ chấm dứt. TRIẾT HỌC VEDANTA  731

32 [Do thi triển samyama] lên bộ phận thần kinh được gọi là kurma mà thể xác khỏe mạnh.

Khi hành giả yogi thực hành giới luật thì thân thể không còn bị nhiễu loạn.

33 [Do thi triển samyama] lên ánh sáng xuất phát từ đỉnh đầu mà hành giả thấy được các siddha.

Siddha là những sinh thể cao hơn chư thiên đôi chút. Khi tập trung tâm trí vào đỉnh đầu thì hành giả yogi thấy được các siddha này. Từ siddha không dùng để chỉ những vị đã giải thoát, theo cách nó thường được dùng.

34 Hoặc nhờ năng lực của pratibhā (tịnh hạnh đốn ngộ) mà đạt được toàn trí.

Tất cả những trỉ kiến này có thể đến với một hành giả yogi đã đạt năng lực của pratibhā (đốn ngộ nhờ tịnh hạnh) mà vị đó không cần phải thi triển bất kỳ một samyama nào. Khi đã đạt đến cảnh giới pratibhā cao siêu đó thì hành giả yogi rực rỡ hào quang.

Vạn sự đều trở nên rõ ràng đối với ngài. Hành giả đó triệt ngộ vạn sự mà không cần phải thi triển bất kỳ một samyama nào.

35 [Do thi triển samyama] lên trái tim mà hành giả thấu hiểu được tâm trí.

36 Hỷ lạc đến từ trạng thái vô phân biệt của Linh Hồn và sattva (trí tuệ), đây là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Hỷ lạc này vì Linh Hồn mà có. Có một trạng thái khác của sattva, được gọi là svārtha (trạng thái thuần tịnh). Thi triển samyama lên trạng thái này đưa đến tri kiến về Purusha.

Purusha và sattva hay buddhi – vốn là một sự chuyển biến của prakriti – hoàn toàn khác nhau. Nhưng Purusha được phản ánh trong buddhi, và tự đồng hóa Nó với những trạng thái khác nhau của buddhi, chẳng hạn như hạnh phúc hay khổ đau, rồi tự xem mình là hạnh phúc hay khổ đau.

Những trải nghiệm này buddhi không phải thực hiện vì chính nó, mà vì một cái khác, đó là Linh Hồn. Nhưng còn có một trạng thái khác của buddhi, phục vụ cho chính nó. Trong trạng thái đó, nó hoàn toàn tách khỏi ý nghĩa của “tôi và của tôi”.

Nhờ thanh khiết thuần tịnh, buddhi ngập tràn ánh sáng của Purusha, nó chỉ phản chiếu mỗi một Purusha thôi. Nhờ nội tỉnh, nó trở nên gắn bó với Purusha và độc lập với mọi mối quan hệ khác. Khi tập trung vào phương diện này của buddhi, hành giả đạt được tri kiến về Purusha.

Lý do thi triển samyama lên buddhi được mà tịnh hóa là vì tự thân Purusha không bao giờ có thể là đối tượng của tri thức, bởi vì Nó chính là người nhận biết.

37 Từ đó mà phát sinh những thần thông siêu nhiên trong thính giác, xúc giác, thị giác, vị giác và khứu giác, đó là những thứ thuộc về pratibhā.

38 Đây là những thứ gây chướng ngại cho samādhi, nhưng chúng lại là những quyền năng trong cõi thế.

Đối với hành giả yogi, những lạc thú của thế gian xuất phát từ sự giao hội giữa Purusha và tâm trí. Nếu ông ta muốn thi triển samyama lên tri kiến rằng thiên nhiên và Chân Ngã là hai thứ khác nhau thì hành giả đó liễu ngộ được Purusha.

Từ đó mà nảy sinh phân biệt trí. Khi đạt được phân biệt trí thì hành giả yogi đạt được pratibhā, ánh sáng của trí tuệ siêu việt. Tuy vậy, những quyền năng mà hành giả yogi đạt được sẽ gây chướng ngại cho việc đạt đến mục tiêu tối hậu là tri thức về Chân Ngã thuần tịnh hay giải thoát.

Các quyền năng này là những thứ hành giả yogi phải gặp trên con đường tu tập, nếu từ bỏ được chúng thì hành giả yogi đạt đến quả vị cao nhất. Còn như ông ta bị lôi cuốn phải có chúng cho bằng được thì con đường tu tập bị chặn đứng, không thể tiến xa được nữa.

39 Khi căn nguyên của trói buộc được nới lỏng dần thì hành giả yogi, nhờ tri thức về các kênh hoạt động của chitta (nghĩa là của thần kinh), có thể nhập vào được thân xác người khác.

Hành giả yogi có thể nhập vào một xác chết, bắt nó đứng dậy và di động, ngay cả khi ông ta đang hoạt động trong một thể xác khác.

Hoặc ông ta có thể nhập vào thể xác của một người đang sống, khống chế tâm trí cùng những cơ quan của người đó, và hành động thông qua thể xác người đó trong suốt thời gian nhập xác. Hành giả yogi thực hiện được điều này nhờ phân biệt được Purusha với thiên nhiên.

Nếu hành giả yogi muốn nhập xác một người nào thì ông ta thi triển samyama lên thể xác đó, rồi nhập vào nó, bởi vì không chỉ Chân Ngã của ông ta mà cả tâm trí của ông ta cũng toàn nhiên phổ hiện, theo như pháp môn Yoga dạy. Nó là một mảnh nhỏ của tâm vũ trụ.

Tuy nhiên, trước hết, điều này chỉ có thể hoạt động thông qua những dòng thần kinh trong chính thể xác của hành giả yogi, nhưng khi đã nới lỏng được ràng buộc của hệ thần kinh thì ông ta có thể hoạt động thông qua những thể xác khác.

40 Khi đã chế ngự được dòng thần kinh gọi là udāna, hành giả yogi không bị chìm trong nước hay chốn đầm lầy, ông ta có thể đi trên gai nhọn, v.v… và có thể chết theo ý muốn.

Udāna là tên gọi của dòng thần kinh điều khiển phổi và tất cả phần trên của cơ thể, khi một hành giả yogi làm chủ được nó thì ông ta trở nên nhẹ đi. Ông ta không bị chìm trong nước, có thể dẫm trên gai nhọn, đứng trên lưỡi gươm, và có thể từ giã cuộc đời bất cứ khi nào tùy thích.

41 Nhờ chế ngự được dòng thần kinh gọi là samāna mà hành giả yogi có hào quang rực rỡ bao quanh.

Ánh hào quang tỏa sáng từ thân thể của hành giả yogi bất cứ khi nào ông ta muốn.

42 Nhờ thi triển samyama lên mối tương quan giữa đôi tai với ākāśa mà đạt được thiên nhĩ thông.

Có ākāśa, hay ê-te, và cũng có khí cụ là đôi tai. Nhờ thi triển samyama lên chúng mà hành giả yogi có được khả năng nghe siêu phàm, ông ta muốn nghe bất cứ điều gì tùy thích. Ông ta có thể nghe được âm thanh của nụ cười mỉm cách xa hàng nhiều dặm.

43 Nhờ thi triển samyama lên mối tương quan giữa ākāśa với thể xác và xem mình nhẹ như bông, v.v… mà hành giả có thể đi xuyên qua bầu trời.

Ākāśa là chất liệu tạo nên thể xác, thể xác này chỉ là ākāśa dưới một hình dạng nào đó. Nếu hành giả yogi thi triển samyama lên chất liệu của thể xác thì thể xác nhẹ như ākāśa và ông ta có thể du hành khắp bầu trời.

44 Nhờ thi triển samyama lên sự chuyển biến thực sự của tâm trí ở bên ngoài thể xác, được gọi là sự hủy thể vĩ đại, mà lớp màn che phủ ánh sáng biến mất.

Tâm trí, do vô minh, cứ ngỡ rằng nó đang hoạt động trong một thể xác. Vì sao tôi lại phải bị trói buộc vào một hệ thống thần kinh và tự giới hạn bản ngã tôi vào một thể xác duy nhất, nếu tâm trí tôi vốn toàn nhiên phổ hiện? Không có lý do gì để làm thế cả.

Hành giả yogi muốn cảm nhận được bản ngã tại bất cứ nơi đâu ông ta muốn. Những con sóng tâm thức khởi dậy, khi vắng bóng ngã tính [ egoity] trong thể xác, được gọi là “sự chuyển biến thực sự” hay “sự hủy thể vĩ đại” [ great disembodiness].

Khi hành giả yogi thành công trong việc thi triển samyama lên sự chuyển biến này rồi thì tất cả những lớp màn che phủ ánh sáng đều rơi hết, mọi u muội vô minh đều tan biến. Trước mặt ông ta, vạn hữu đều xuất hiện ngập tràn trí tuệ.

45 Nhờ thi triển samyama lên những hình thức thô và tế vi của các nguyên tố, những nét cốt tủy của chúng, tính nội hữu của những guna trong chúng, cùng sự đóng góp của chúng vào sự trải nghiệm của Linh Hồn, mà hành giả yogi làm chủ được các nguyên tố.

Hành giả yogi thi triển samyama lên các nguyên tố, trước tiên là lên nguyên tố thô, sau đó mới đến nguyên tố tế vi. Samyama này được một tông phái Phật giáo vận dụng hầu như hoàn toàn.

Họ lấy một cục đất, rồi thi triển samyama lên đó, và dần dần họ thấy được chất liệu tế vi cấu tạo nên nó, và khi đã thấu triệt được chất liệu tế vi trong nó rồi thì họ có được quyền năng với những nguyên tố đó. Đối với tất cả mọi nguyên tố cũng vậy. Hành giả yogi có thể chinh phục được tất cả chúng.

46 Từ đó mà có được dạng cực vi cùng tất cả những quyền năng còn lại, có được sự tôn vinh thể xác cùng tính bất khả hoại của những phẩm tính thuộc thể xác.

Điều này có nghĩa là hành giả yogi đã đạt được tám năng lực siêu nhiên. Ông ta có thể biến mình thành dạng cực vi như nguyên tử hoặc khổng lồ như quả núi, nặng như trái đất hoặc nhẹ như không khí, ông ta có thể vươn tới bất cứ nơi đâu mình muốn, có thể chinh phục và cai trị mọi thứ theo ý thích, v.v…

Con sư tử ở dưới chân ông trở nên ngoan hiền như con cừu, và ông ta thực hiện được tất cả những gì mình muốn.

47 “Tôn vinh thể xác” có nghĩa là vẻ đẹp, nước da, sức mạnh, và sự rắn chắc như kim cương.

Thể xác trở nên bất hoại. Không gì có thể làm tổn thương được nó. Không gì có thể hủy hoại được nó, cho đến khi nào hành giả yogi muốn thế. “Bẻ gãy cây roi thời gian, vị đó mang thể xác mình sống trong vũ trụ này”. Câu kinh văn đó trong kinh Veda viết về một người không còn bệnh tật, khổ đau và cái chết.

48 Do thi triển samyama lên sự nhận thức những đối tượng bên ngoài bằng giác quan cùng tri thức đi theo nhận thức đó, lên “Tự ngã tính” đi theo tri thức đó, lên tính nội hữu của những guna trong tất cả những điều đó cùng sự đóng góp của chúng vào sự trải nghiệm của Linh Hồn, mà hành giả yogi làm chủ được các cơ quan.

Khi nhận thức một đối tượng bên ngoài, các cơ quan lưu lại vị trí trong tâm trí và tiến về đối tượng, quá trình này được tiếp tục bởi tri thức. Tự ngã cũng hiện hữu trong quá trình này. Khi thi triển samyama lên chúng, hành giả yogi dần dần chế ngự được các cơ quan.

Thử lấy bất cứ vật gì mà các bạn thấy hoặc cảm nhận được, chẳng hạn một cuốn sách, trước tiên hãy tập trung tâm trí vào nó, sau đó tập trung vào tri thức trong hình thức một cuốn sách, rồi tập trung vào tự ngã đang nhìn thấy cuốn sách đó, v.v… Luyện tập theo cách này thì tất cả các cơ quan đều sẽ bị chế ngự.

49 Từ đó mà cơ thể có khả năng di chuyển mau lẹ như tâm trí, độc lập với tâm trí và chế ngự được thế giới tự nhiên.

Khi đã chế phục được các nguyên tố rồi thì thể xác được tôn vinh, do đó những quyền năng nói trên sẽ phát sinh sau khi chế phục được các cơ quan.

50 Do thi triển samyama trên trí phân biệt giữa sattva và Purusha mà đạt được toàn năng và toàn trí.

Khi đã chế phục được thiên nhiên, và thực chứng được trí phân biệt giữa sattva và Purusha – nghĩa là liễu ngộ được rằng Purusha vốn bất hoại, thuần tịnh, toàn hảo; và thiên nhiên là cái đối lập với Nó – thì hành giả yogi được toàn năng và toàn trí.

51 Do từ bỏ tất cả những quyền năng đó mà mọi mầm mống của tội lỗi và điều xấu ác đều bị tận diệt, điều đó dẫn đến cảnh giới kaivalya (tự tại vô ngại).

Hành giả yogi đạt đến cảnh giới tự tại độc lập và được giải thoát. Khi hành giả yogi từ bỏ mọi ý niệm về quyền năng toàn năng và toàn trí thì tâm xả ly hoàn toàn mọi điều hỷ lạc, xả ly mọi sự cám dỗ của chư thiên. Khi đã thấy được tất cả những quyền năng đó mà phát tâm từ bỏ là hành giả đạt đến mục tiêu.

Tất cả những quyền năng đó là gì? Chỉ đơn thuần là sự biểu hiện. Chúng chẳng hơn gì một giấc mộng. Ngay cả sự toàn năng cũng chỉ là một giấc mộng. Chừng nào còn tâm trí thì nó còn có thể toàn năng, nhưng mục tiêu lại nằm ở bên kia tâm trí.

52 Hành giả yogi không nên để bị cám dỗ hay bị phỉnh nịnh bởi chư thiên vì sợ bị đọa lại vào tội lỗi.

Cũng còn có những nguy hiểm khác: chư thiên hoặc những sinh thể khác đến cám dỗ hành giả yogi. Chư thiên không muốn một ai được giải thoát hoàn toàn. Họ cũng ghen tỵ như chúng ta, thậm chí đôi lúc còn tồi tệ hơn chúng ta nữa. Họ rất sợ mất đi ngôi vị của mình.

Hành giả yogi nào không muốn đạt đến sự toàn hảo sẽ biến thành chư thiên sau khi chết, họ bỏ chính đạo, đi vào tà đạo để đạt được quyền năng. Rồi họ cũng phải tái sinh trở lại. Chỉ hành giả nào đủ sức mạnh để trụ vững trước mọi cám dỗ mới đạt đến giải thoát.

53 Do thi triển samyama trên một vi tử thời gian[4] và sự nhân bội của nó mà đạt được trí phân biệt.

Chúng ta làm thế nào để tránh né tất cả những thứ đó: chư thiên, các cõi trời và quyền năng? Bằng trí phân biệt, biết đâu là thiện đâu là ác. Do đó, samyama là phương thuốc đối trị dùng để củng cố năng lực phân biệt. Điều này được thực hiện thông qua việc thi triển samyama lên một vi tử thời gian, cùng với thời gian đi trước nó và đi sau nó.

54 Thậm chí những gì không thể phân ra theo loài, dấu hiệu và nơi chốn vẫn được phân biệt nhờ vào samyama đã bàn đến ở trên.

Chúng ta phải chịu cảnh khốn khổ là do vô minh, không phân biệt được đâu là thực đâu là giả. Tất cả chúng ta đều cho ác là thiện, lấy mộng làm thực.

Chỉ có Chân Ngã là thực tại duy nhất, và chúng ta đã quên mất điều đó. Thân xác này chỉ là một giấc mộng không thực, vậy mà ai nấy trong chúng ta cũng đều ngỡ rằng mình là thân xác. Không phân biệt được, đó là căn nguyên của khốn khổ. Nó được gây ra bởi vô minh.

Phân biệt xuất hiện sẽ mang lại sức mạnh. Và chỉ đến lúc đó thôi, ta mới có thể tránh được tất cả những quan niệm khác nhau về thân xác, các cõi trời và chư thiên. Sự ngu dốt này là do phân biệt theo loài, dấu hiệu và nơi chốn. Lấy con bò làm ví dụ. Xét về loài thì con bò khác với con chó.

Thậm chí giữa các con bò với nhau, ta làm thế nào để phân biệt được con này với con kia? Bằng dấu hiệu. Nếu hai đối tượng hoàn toàn giống nhau thì ta có thể phân biệt được chúng nếu chúng ở tại hai vị trí khác nhau.

Nếu sự vật lẫn lộn vào nhau, đến mức ngay các điểm khác biệt vẫn không thể giúp ta được, thì năng lực đạt được nhờ tập luyện theo cách trên sẽ cho ta khả năng phân biệt được chúng.

Triết lý tối cao của hành giả yogi dựa trên sự kiện này: Purusha vốn thuần tịnh, toàn hảo và là bản thể đơn giản duy nhất tồn tại trong vũ trụ này. Thể xác và tâm trí đều là những thể hòa hợp, vậy mà chúng ta cứ mãi mãi cố sức tự đồng hóa mình với chúng.

Cho rằng sự khác biệt đã mất đi, đó là điều sai lầm trầm trọng. Khi đã đạt năng lực phân biệt thì hành giả thấy mọi sự trong thế gian này, dù là tinh thần hay vật chất, đều là những thể hòa hợp, và như thế chúng không thể là Purusha.

55 Tri thức giải thoát là trí phân biệt, trí này bao quát đồng thời được tất cả vạn hữu trong mọi hình tướng sai biệt của chúng.

Tri thức này được gọi là “giải thoát” vì nó đưa hành giả yogi vượt qua đại dương sinh tử. Toàn thể pratika trong mọi trạng thái của nó, dù thô hay tế vi, đều nằm trong tâm lĩnh hội của trí phân biệt này. Trong loại tri thức này không có sự tương tục của nhận thức, mà nó thấu triệt toàn thể vạn hữu trong cùng một lúc.

56 Nhờ bản chất thuần tịnh giống nhau giữa sattva và Purusha mà đạt đến trạng thái kaivalya (tự tại vô ngại).

Khi Purusha liễu ngộ được rằng Nó không còn tùy thuộc vào bất cứ thứ gì trong vũ trụ nữa, từ chư thần cho đến hạt nguyên tử thì Nó đạt đến trạng thái kaivalya, tức sự toàn mãn. Kaivalya là mục tiêu tối hậu.

Khi đạt đến trạng thái này, Chân Ngã liễu ngộ được rằng Nó bản lai tự tại vô ngại, và không cần đến bất cứ thứ gì để có được lạc phúc. Chừng nào chúng ta còn cần đến một người nào hay một sự vật gì đó để tìm thấy hạnh phúc thì chúng ta vẫn còn là nô lệ.

Khi Purusha liễu ngộ được rằng tự tính của mình là giải thoát, và không cần đến bất cứ điều gì để đạt được sự toàn mãn, khi Nó hiểu rằng thiên nhiên chỉ là phù du và thực sự vô nghĩa thì ngay trong phút giây đó, Purusha đạt được giải thoát và trở nên độc lập tự tại với thiên nhiên.

Trạng thái này đạt được khi có sự hòa hợp giữa tịnh và bất tịnh – được gọi là sattva, có nghĩa là trí năng – đã trở nên thuần tịnh như chính Purusha, rồi sattva chỉ phản chiếu bản thể tinh yếu toàn hảo của sự thuần tịnh, tức là Purusha.

[1] Thường được hiểu là thần thông.

[2] Sự khác biệt giữa ba trạng thái chú tâm, hay tập trung tư tưởng, trong các câu 9, 11 và 12 như sau: trong trạng thái thứ nhất, những ấn tượng nhiễu loạn chỉ bị kiềm hãm nhưng vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn bởi những ấn tượng chế ngự vừa mới phát sinh; trong trạng thái thứ hai, thì trạng thái thứ nhất bị xóa bỏ hoàn toàn bởi trạng thái sau là trạng thái nổi bật lên; còn trong trạng thái thứ ba, tức trạng thái cao nhất, thì không còn vấn đề chế ngự nữa, mà chỉ có những ấn tượng tương tự nối tiếp nhau theo một dòng chảy. [Ghi chú trong nguyên tác].

[3] Nguyên văn là “substance qualified “, tức bản thể được gán các phẩm tính, theo lời chú giải thì khái niệm này giống như khái niệm “pháp hữu vi” trong tư tưởng Phật giáo.

[4] Nguyên văn “particle of time”, chỉ đơn vị thời gian cực nhỏ.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x